Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Không để kéo dài giãn cách xã hội’

‘Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh’, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu địa phương nào làm chưa hiệu quả thì phải kiểm điểm.

Sáng 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) chủ trì hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố; 209 quận, huyện, thị xã; 1.060 xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định tình hình dịch trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, kể cả tại các nước có tiềm lực hàng đầu.

“Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh; đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp, dứt điểm kiểm soát dịch bệnh để tập trung cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội”, Thủ tướng quán triệt.

Đã hy sinh giãn cách phải kiềm chế được dịch

Thủ tướng ghi nhận một số kết quả đạt được trong công tác chống dịch với một số tỉnh đang kiểm soát tốt dịch như Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

13 tỉnh, thành phố đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt tiêu chí kiểm soát dịch. Riêng 4 địa bàn là TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang dù chưa đạt như mong muốn do nhiều yếu tố, cũng đang nỗ lực, triển khai quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh”. Ảnh: VGP.

Nhấn mạnh tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương, đặc biệt là xã, phường, thị trấn cần xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có lộ trình để thực hiện có kết quả theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, phù hợp với từng địa phương; ngăn chặn, đầy lùi dịch bệnh sớm, hiệu quả, không để kéo dài giãn cách xã hội.

“Nếu địa phương nào thực hiện chưa hiệu quả thì phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp, lộ trình phù hợp, triển khai nghiêm túc. Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh giãn cách xã hội là biện pháp chống lây lan dịch bệnh nên phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt chẽ, kiểm soát có hiệu quả. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tiêm vaccine một cách khoa học, hiệu quả và toàn diện.

Đối với thực hiện chiến lược vaccine, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại chủ trương “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Do đó cần tổ chức tiêm nhanh, an toàn, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phải bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội; vận động nhân dân chia sẻ, hưởng ứng biện pháp phòng, chống dịch, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, coi đây là quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân, vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Di dời những nơi có mật độ dân số quá cao

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương nghiên cứu di dời những nơi có mật độ dân số quá cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn đến nơi thông thoáng, an toàn, hạn chế lây nhiễm chéo.

Đặc biệt, ông lưu ý địa phương không đưa ra quy định riêng, hỗ trợ để doanh nghiệp không bị đứt gẫy chuỗi sản xuất; đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt.

Thủ tướng yêu cầu bí thư cấp ủy phải làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; chủ tịch UBND tỉnh, thành làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch. Ảnh: VGP.

Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức phòng, chống dịch ở địa phương, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương nhanh chóng kiện toàn tổ chức, trong đó bí thư cấp ủy phải làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; chủ tịch UBND tỉnh, thành làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch. Tổ chức, bộ máy phòng chống dịch ở địa phương phải có quy chế làm việc, quy chế phối hợp rõ ràng và hoạt động 24/24h.

Tái khẳng định phương châm “xã, phường, thị trấn là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19”, Thủ tướng đề nghị chính quyền cơ sở phối hợp với các lực lượng chi viện kêu gọi người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, kiểm soát việc đi lại của người dân, thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở yên đó”.

Song song với đó, tổ chức cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân, đáp ứng nhanh nhất yêu cầu về y tế nhanh, tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine ngay tại xã, phường…

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các xã, phường, thị trấn phải lập đường dây nóng hoạt động 24/24h và phổ biến tới mọi người dân được biết để liên hệ khi cần. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, động viên, chăm sóc đời sống tinh thần cho người dân.

Khẳng định những giải pháp phòng, chống dịch như hiện nay là đúng hướng, song Thủ tướng lưu ý nếu có phát sinh hoặc có gì chưa phù hợp với từng địa phương thì phải rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần. Ông đề nghị các địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ phòng, chống dịch, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

Theo báo cáo, từ ngày 19/7 đến nay, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đã ghi nhận 343.686 ca mắc Covid-19. Riêng giai đoạn tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22 đến 28/8, 23 địa phương này có 78.147 ca mắc. Số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương đang tăng cường xét nghiệm diện rộng.

Như vậy, so với tuần trước đó, có 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh còn lại cộng lại. Có 10 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước.

Theo: https://baomoi.com/thu-tuong-pham-minh-chinh-khong-de-keo-dai-gian-cach-xa-hoi/c/40044712.epi