29 Views

(CLO) Thông tư 242/2009 của Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp nhà nước không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần. Tuy nhiên, Mipecorp lại có nhiều năm ghi nhận nợ cao vượt trội so với vốn.
Hành trình dài nợ cao gấp 3 lần vốn

Đầu năm 2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 242/2009 hướng dẫn thi hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Theo thông tư này, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần (đối với công ty có HĐQT) hoặc vượt quá vốn điều lệ (đối với công ty không có HĐQT) mà phải báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét quyết định.

Nhưng kể từ đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn vi phạm quy định này. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) là một trong số đó.

xang dau quan doi hanh trinh dai no cao gap 3 lan von hinh 1

Trong tháng 10/2018, báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2017 được Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất cao. Tỷ lệ này tại Mipecorp là 7,88 lần.

Sau khi bị “bêu tên”, Mipecorp đã giảm tỷ lệ nợ/vốn nhưng con số đạt được vẫn cao hơn 3 lần rất nhiều.

Tới tháng 11/2021, trong một báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội mới đây về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020 cho thấy tại ngày 31/12/2020, có 14 doanh nghiệp nhà nước (công ty mẹ) có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Mipecorp có tên trong danh sách này với tỷ lệ lên tới 5,37 lần.

Như vậy, sau nhiều năm, Mipecorp vẫn chưa giảm tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu xuống dưới 3% theo quy định của Thông tư 242/2009.

Đến năm 2021, tỷ lệ này đã được Mipecorp đưa xuống sát mốc 3. Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Mipecorp giảm từ 2.625 tỷ đồng xuống 1.851 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả cao gấp 3,0048 lần vốn.

Phải tới năm 2022, tỷ lệ nợ/vốn tại Mipecorp mới xuống dưới mốc 3 lần khi đạt con số 2,83 lần. Như vậy, phải mất nửa thập niên, Mipecorp mới đáp ứng được Thông tư 242/2009 của Bộ Tài chính.

Tài sản giảm 894 tỷ đồng

Trong 3 năm qua, Mipecorp nỗ lực giảm nợ vay. Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả tại Mipecorp đạt 1.730 tỷ đồng, giảm so với 1.851 tỷ đồng hồi cuối năm 2021 và 2.625 tỷ đồng hồi cuối năm 2020.

So với năm 2020, nợ phải trả của Mipecorp giảm tới 895 tỷ đồng, tương đương 34,1%. Cùng kỳ, tổng tài sản Mipecorp giảm 894 tỷ đồng xuống 2.342 tỷ đồng, tương đương 27,6%.

Như vậy, sau 3 năm, tài sản Mipecorp giảm 894 tỷ đồng. Đa số đều đến từ việc giảm nợ. Trong nỗ lực giảm nợ của Mipecorp, thành quả đến từ giảm nợ vay.

Hồi cuối năm 2022, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Tổng công ty này chỉ còn 517 tỷ đồng, giảm so với 984 tỷ đồng của năm 2021 và 1.493 tỷ đồng của năm 2020.

xang dau quan doi hanh trinh dai no cao gap 3 lan von hinh 2
Thông tư 242/2009 của Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp nhà nước không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần. Tuy nhiên, Mipecorp lại có nhiều năm ghi nhận nợ cao vượt trội so với vốn. Ảnh minh họa

Sau 3 năm, nợ vay tại Mipecorp giảm 1.426 tỷ đồng, tương đương 73,4%. Thế nhưng, chi phí lãi vay lại chỉ giảm 26 tỷ đồng, tương đương 30,6%.

Cùng với đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tại Mipecorp giảm rất sâu. Cuối năm 2022, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 641 tỷ đồng, tăng mạnh so với 524 tỷ đồng cuối năm 2021 và đi ngang so với 643 tỷ đồng của năm 2020. Thế nhưng, chỉ tiêu đầu tư tài chính ngắn hạn lại chỉ còn 5 tỷ đồng dù cuối năm 2020 lên tới 1.125 tỷ đồng.

Doanh thu tăng sốc, lợi nhuận đi ngang

Trong 3 năm Mipecorp nỗ lực giảm nợ, Tổng công ty ghi nhận doanh thu tăng đột biến nhưng lợi nhuận không có nhiều biến động.

Cụ thể, trong giai đoạn 3 năm 2020-2022, doanh thu của Mipecorp lần lượt là 7.746 tỷ đồng, 10.551 tỷ đồng và 20.251 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm, doanh thu Mipecorp đã tăng 12.505 tỷ đồng, tương đương 161% lên 20.251 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế biến động chậm chạp, lần lượt là 30,3 tỷ đồng (năm 2020), 37,7 tỷ đồng (năm 2021) và 33,9 tỷ đồng (năm 2022).

Các chi phí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tại Mipecorp không có biến chuyển lớn. Trong đó, đáng chú ý nhất là chi phí tài chính. Mặc dù tiết kiệm được chi phí lãi vay do giảm mạnh nợ vay nhưng chi phí tài chính năm 2022 của Mipecorp vẫn tăng mạnh lên 148 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2020 và 2021, chỉ tiêu này chỉ là 85,7 tỷ đồng và 86 tỷ đồng.