72 Views

Dự kiến thứ 2 (ngày 13.9) tới, Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ họp thông qua kế hoạch chi tiết mở cửa kinh tế sau ngày 15.9.

Tính đến sáng 11.9, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ còn 40/170 xã vùng đỏ, trong đó 11/40 xã vùng đỏ nhiều ngày không phát sinh F0, 18/28 xã vùng cam cũng không phát sinh F0. Hiện Đồng Nai đặt mục tiêu sau 15.9 phủ vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 cho toàn dân trên 18 tuổi, không phân biệt người thường trú, tạm trú hay người nước ngoài. Lũy kế đến nay, Đồng Nai đã có gần 1,4 triệu người được tiêm vắc xin mũi 1 (62% dân số trên 18 tuổi), trong đó có trên 66.000 người đã tiêm đủ 2 liều.

1/3 dân số chưa có thẻ xanh vắc xin
Đồng Nai có khoảng 3,5 triệu dân, trong đó 2,2 triệu dân trên 18 tuổi sẽ được phủ vắc xin mũi 1 để có thể mở cửa trở lại nền kinh tế sau ngày 15.9. Còn lại hơn 1 triệu người (khoảng 1/3 dân số) chưa được tiếp cận với vắc xin. Do vậy, tỉnh này đang tính phương án mở cửa kinh tế nhưng phải đảm bảo an toàn cho 1/3 dân số còn lại.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 hôm qua (10.9), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết mục tiêu sau ngày 15.9, Đồng Nai phấn đấu mỗi công dân trên 18 tuổi sẽ được tiêm 1 liều vắc xin. Với tốc độ tiêm bình quân 100.000 liều mỗi ngày, dự kiến sau ngày 15.9 sẽ có khoảng 2,2 triệu dân Đồng Nai trên 18 tuổi được phủ vắc xin mũi 1 (tỉ lệ 100%).

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng người được tiêm 2 mũi vắc xin, có thẻ xanh vắc xin là chìa khóa an toàn để mở cửa kinh tế

Như vậy, khi trở lại trạng thái bình thường mới, Đồng Nai vẫn còn hơn 1 triệu dân chưa được tiếp cận vắc xin.
“Cộng đồng còn hơn 1 triệu dân chưa được tiêm vắc xin là rủi ro rất cao, do vậy cần phải có phương án bảo vệ an toàn cho họ”, ông Lĩnh nói và yêu cầu người có thẻ xanh vắc xin vẫn phải đảm bảo 5K, tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch. “Mọi người phải có ý thức giữ gìn để bảo vệ cho những người chưa được tiêm. Người có thẻ xanh vắc xin được đi lại nhưng không có nghĩa là muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Ông Lĩnh cho rằng nhiều người dân có điều kiện ở Đồng Nai sẵn sàng bỏ tiền ra để tiêm vắc xin dịch vụ. Nhà nước bao cấp vắc xin là chính sách nhân văn, điều này là tốt, nhưng nếu mở ra cơ chế tiêm dịch vụ thì nhà nước tập trung lo đầy đủ hơn cho người dân nghèo và người có thu nhập trung bình.
“Chúng ta cần vận dụng nhiều cơ chế để người dân càng được tiêm nhiều vắc xin bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đừng làm cho tư duy chúng ta bị trói buộc, phải làm sao thoát ra được để xã hội tiến nhanh đến đích hơn”, ông Lĩnh đề xuất.

3 lĩnh vực dự kiến được mở cửa trở lại
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết có 3 lĩnh vực dự kiến được mở trở lại sau ngày 15.9 gồm: Dịch vụ xã hội; dịch vụ cho người dân (đi chợ, đi học, đi làm, đi chữa bệnh) và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Lĩnh yêu cầu lãnh đạo tỉnh tham khảo thêm kinh nghiệm mở cửa của các nước trên thế giới và các tỉnh, thành trong khu vực để áp dụng cho mô hình Đồng Nai. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng thực tiễn ở Đồng Nai khác, mô hình Đồng Nai cần yêu cầu cao hơn đó là công nghiệp, đô thị thông minh và quản lý xã hội số… Do vậy, cần tính toán cái nào mở ra, cái nào chưa được mở và lộ trình từng giai đoạn để đảm bảo an toàn, khả thi và hiệu quả.

Thanh niên tình nguyện chuyển tặng nhu yếu phẩm cho công nhân các khu nhà trọ ở tâm dịch H.Nhơn Trạch

Ông Lĩnh cũng yêu cầu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào trạng thái bình thường mới cho người dân tham gia. Làm sao vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng, vừa thúc đẩy được sản xuất. Người dân phải có hành động đúng và đồng thuận. Thời gian đầu mở cửa kinh tế, có thể chúng ta phải chấp nhận một tỉ lệ nhất định người dân bị nhiễm Covid-19 và cần chữa trị cho họ. Tuy nhiên, chỉ nhiễm ở mức độ vừa phải trong khả năng có thể chữa trị được.
“Nhập viện 10.000 ca chúng ta điều trị được, 20.000 ca còn cố gắng nhưng nhiều hơn là chúng ta vỡ trận”, ông Lĩnh lưu ý và yêu cầu các kịch bản trở về trạng thái bình thường mới phải được vận hành theo cơ chế an toàn.

Chuẩn bị các phương án hồi phục kinh tế sau ngày 15.9
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi các sở, ban ngành và các huyện, thành phố tham mưu xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế sau ngày 15.9.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công thương thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN) về thông tin, điều kiện hoạt động trở lại; Sở Y tế hướng dẫn DN, người dân đảm bảo an toàn sản xuất và đời sống; Sở TT-TT cập nhật thông tin vào hệ thống tiêm chủng quốc gia, theo dõi người đã có thẻ xanh vắc xin, áp dụng “giấy thông hành vắc xin” điện tử thay thế giấy đi đường, giấy xét nghiệm… Ngoài ra, Sở TT-TT cần nghiên cứu các App (ứng dụng) giám sát F0, F1 đang cách ly tại nhà thông qua “hàng rào điện tử”, xây dựng phần mềm chuyển đổi số, các ứng dụng thương mại điện tử…
Sở NN-PTNT tham mưu kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; Sở GTVT điều phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng; Sở LĐ-TB-XH đẩy mạnh sàn giao dịch việc làm online, đánh giá, phân tích sự dịch chuyển lao động, xu hướng quay trở lại nhà máy, xí nghiệp sau đại dịch; Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế đề xuất các giải pháp để học sinh có thể đến trường, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch…
Giải pháp dài hạn, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu các gói hỗ trợ tín dụng, tổ chức sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; các chính sách thu hút đầu tư; giữ vững an ninh, trật tự; cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí và chăm lo tốt an sinh xã hội.

Theo: https://thanhnien.vn/thoi-su/dong-nai-se-mo-cua-kinh-te-ra-sao-sau-ngay-159-1447941.html