77 Views

Trong các bữa cơm của nhiều người Việt thường xuyên phạm phải những thói quen khó bỏ này. Đáng tiếc nó hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Thói quen ăn nhiều cơm

Người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm mà không hề biết rằng trong cơm chứa nhiều đường. Nếu ăn nhiều cơm sẽ khiến lượng đường trong máu cao, đây là một trong những nguyên nhân gây bị tiểu đường và cũng là nguyên nhân gây biến chứng tim mạch như: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Theo khuyến cáo, mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn trung bình mỗi bữa 2 lưng bát cơm.

Ăn gạo sát trắng

Thông thường, những người nội trợ thường thích các loại gạo sạch sẽ trắng tinh, nhưng thực chất những hạt gạo còn nhiều áo cám khi nấu lên sẽ ngọt và ngon hơn rất nhiều so với các loại gạo đã được xay xát trắng bong. Ngoài ra, gạo được xay sát kỹ đã mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ…

Ăn cơm chan canh

Nhiều người thường có thói quen ăn cơm là phải chan với canh, bởi như thế cơm sẽ dễ nuốt trôi vào dạ dày, dễ ăn hơn. Nhưng ít người biết khi nhai thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn rất có lợi cho sức khỏe. Nếu vừa ăn cơm vừa chan canh khiến cơm bị mất đi chất protein, làm giảm giá trị dinh dưỡng của cơm.

Mặt khác, ăn cơm chan canh lâu ngày sẽ làm cho hệ tiêu hóa, cũng như hoạt động của thành ruột, dạ dày trở nên lười biếng, ít tiết dịch để co bóp hơn, gây ra các bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa như đau dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa… Điều này càng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.

Thích ăn mặn, uông nước ngọt

Thói quen có hại nữa mà người Việt hay mắc là ăn mặn. Người Việt đang ăn lượng muối gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nghiên cứu của Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy, người Việt rất thích đồ ngọt, trong đó có uống nước ngọt. Sau năm năm, lượng nước ngọt có gas sử dụng ở Việt Nam đã tăng gấp đôi, tính ra tiền thì người Việt đã tiêu hàng ngàn tỉ đồng cho nước ngọt có gas. Một lon nước ngọt có gas sinh đến 138,6kcl năng lượng và chứa đến 36,3gr đường.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn tối đa 350gr đường/tháng, đó là số đường có trong cả bánh kẹo, nước ngọt, bánh ngọt, giờ thì uống một lon nước ngọt đã dùng đến 1/10 lượng đường tối đa dùng cho cả tháng.

Vừa ăn vừa uống rượu

Thói quen của hầu hết đàn ông Việt Nam đó là vừa ăn vừa nhâm nhi vài chén rượu. Đây là một thói quen gây suy giảm tuổi thọ nghiêm trọng. Bởi nhiều nghiên cứu và khảo sát đã phát hiện ra rằng rượu không chỉ liên quan mật thiết đến ung thư gan mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa/đường hô hấp trên. Ví dụ như: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và các khối u ở hệ tiết niệu.

Rượu có chứa các chất chuyển hóa là acetaldehyde và các loại oxy phản ứng (ROS) có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư.

Theo Giadinhvietnam