Công nhân ở Bình Dương khổ sở khi doanh nghiệp đòi trình độ cao

VOV.VN – Người đi tìm việc đông nhưng nhu cầu ít nên các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, do đó quy định tuyển dụng của họ cũng khắt khe, đòi hỏi trình độ, bằng cấp cao khiến nhiều lao động phổ thông khổ sở trên hành trình mưu sinh.

0 seconds of 0 seconds

Công nhân “khát” việc khi doanh nghiệp tuyển khó

Những năm trước, sau Tết Nguyên đán, tình hình lao động ở Bình Dương có nhiều biến động do công nhân “nhảy việc” tìm nơi có chế độ đãi ngộ tốt. Để có người làm, doanh nghiệp phải “căng mình” tuyển dụng bù lại số thiếu hụt. Năm nay, thay vì doanh nghiệp dán thông báo tuyển dụng, hay kê bàn ra các con đường “đón” công nhân thì ở các khu công nghiệp xuất hiện cảnh từng nhóm công nhân rủ nhau đi tìm nơi cần người. Nhiều người cần việc nên các doanh nghiệp đưa ra tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn, đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn 12/12, kèm theo tay nghề để vào làm việc ngay mà không cần đào tạo lại.

Anh Lê Minh Nhí (quê Cà Mau) cho biết, năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên anh nghỉ việc tại Công ty Wanek, ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để về quê phụ ba mẹ việc nhà. Giờ đây khi mọi việc đã ổn, anh lên lại Bình Dương xin việc làm, nhưng cả nửa tháng nay, anh vẫn chưa tìm được việc vì công ty nào cũng yêu cầu lao động có tay nghề, trình độ học vấn 12/12, trong khi anh chỉ có bằng cấp 2.

Anh Nhí ngán ngẩm nói: “Trước tôi vào công ty làm rất dễ, bây giờ lại khó, cần trình độ. Trước đây, mình không có tay nghề thì công ty đào tạo, hướng dẫn cho mình làm, giờ phải có tay nghề thì họ mới nhận”.

Không xin được việc trong khi đủ chi phí phải lo như tiền ăn, tiền nhà khiến nhiều công nhân chọn cách trở về quê, hoặc đi xin việc tạm thời để duy trì cuộc sống nơi đất khách. Anh Nguyễn Văn Nghĩa (quê Kiên Giang) là một ví dụ. Do chỉ có bằng cấp 2 và trước đây chỉ làm các việc vặt trong một công ty may, nên hiện tại để tìm được việc làm đối với anh Nghĩa thật sự nan giải.

 

“Tuần trước họ tuyển đâu cần bằng cấp nhưng sang tuần này lại đòi bằng cấp. Giờ tôi đâu cần lương cao lương thấp, chỉ cần có người nhận là vào làm. Không thì đi làm phụ hồ mà phụ hồ thì nắng, mưa rất vất vả”, anh Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ. 

Với việc chỉ tuyển dụng lao động có trình độ cao, tay nghề giỏi, doanh nghiệp hướng đến chuyển từ sản xuất thâm dụng lao động chân tay sang công nghệ, máy móc trong các khâu sản xuất. Theo công nhân, việc các công ty đòi hỏi phải có bằng tốt nghiệp THPT là cứng nhắc và có phần khắt khe.

Chị Trịnh Thị Nhớ, quê An Giang nói: “Nhiều công ty yêu cầu tối thiểu bằng tốt nghiệp 12 thì mới nhận làm, rất cổ hủ. Nên nhận công nhân có tay nghề, biết viết, biết đọc, trình độ học vấn lớp 9 là được”.

Nguy cơ phát sinh việc mượn hồ sơ xin việc 

Trước thực tế các doanh nghiệp tuyển công nhân có yêu cầu về bằng cấp khiến nhiều người khó khăn trong quá trình đi tìm việc làm. Cũng vì lẽ đó, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người bàn nhau mượn hồ sơ của người khác, hoặc tìm nơi làm bằng giả để có hồ sơ “đẹp” nộp cho nhà tuyển dụng. Như vậy, nguy cơ phát sinh nhiều trường hợp mượn hồ sơ xin việc, gây rắc rối trong quá trình giải quyết các chế độ phúc lợi về sau cho công nhân.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Hương Tuyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị phát hiện gần 1.000 hồ sơ người lao động mượn thông tin của người khác đi làm và tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội. Việc này không chỉ ảnh hưởng quyền lợi người đi mượn, người cho mượn mà còn vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử phạt.

“Sau này khi giải quyết các chế độ thì ngành chúng tôi kiểm tra rất chặt chẽ, do đó nếu người lao động cho mượn hồ sơ đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội thì quá trình tham gia không có hiệu lực. Coi như hợp đồng lao động người lao động ký với người sử dụng lao động với một tên khác thì hợp đồng đó được xem là vô hiệu và không có giá trị, quá trình tham gia bảo hiểm xã hội xem như không được tính, bị ảnh hưởng quyền lợi rất nhiều”, bà Phạm Thị Hương Tuyền cho hay.

Trước thực tế nhiều lao động “khát” việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để thông tin trên website, dán thông báo để người lao động biết và nộp hồ sơ. Hiện nay, Trung tâm đang lấy dữ liệu từ app việc làm, tìm việc làm của trung tâm để kết nối, đồng bộ với Trung tâm giám sát và Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, từ đó mọi người dễ dàng tiếp cận, tìm việc làm phù hợp. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp tìm được nhân lực như mong muốn.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương chia sẻ, qua thống kê, lao động qua đào tạo ở Bình Dương đạt hơn 80% nhưng lao động có chứng chỉ, bằng cấp chưa đầy 40%. Để nâng cao tay nghề, cấp chứng cho người lao động, sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2025-2030.

“Sở đã chỉ đạo cho các trường nghề, trường cao đẳng công lập, ngoài công lập và các trường trung cấp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp đào tạo để làm sao đội ngũ công nhân lành nghề trình độ cao ngày càng cao hơn, phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Trịnh Đức Tài cho hay.

Theo thống kê của các ngành ở Bình Dương, quý I/2023, doanh nghiệp trong tỉnh cần khoảng 10.000 lao động để bù vào số lao động thiếu hụt do ở lại quê nhà không trở vào và để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất ở các ngành dịch vụ, điện tử… Tuy nhiên, khi người lao động liên hệ doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng thì đó chỉ là con số dự kiến trong khi chờ đơn hàng chứ chưa tuyển chính thức. Do đó, việc người lao động đến Bình Dương “đỏ mắt” tìm việc sẽ còn kéo dài khi kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng bởi chiến tranh, lạm phát./.