Cả đời tiết kiệm bỗng trắng tay vì xây nhà trên đất nông nghiệp

VOV.VN – Hiện nay, Bình Dương có hàng trăm khu nhà tự phát xây dựng trên đất nông nghiệp. Mặc dù chính quyền địa phương vào cuộc, tổ chức cưỡng chế nhiều công trình xây dựng sai phạm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Để siết chặt quản lí, ngăn chặn tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, địa phương này đang tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời khuyến cáo người dân không mua nhà vi bằng, giấy viết tay để tránh hệ lụy.

Ngậm ngùi nhìn căn nhà bị tháo dỡ

Sống trong nhà trọ chật hẹp suốt nhiều năm nên khi nghe đồng nghiệp giới thiệu có căn nhà giá rẻ ở khu phố Long Khánh, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, chị Tạ Thị Ánh Hồng (40 tuổi, quê Bình Định), đã đi xem và quyết định mua để con cái có chỗ ở rộng rãi.

Để sở hữu được căn nhà trị giá 850 triệu đồng vợ chồng chị phải vay mượn bằng tất cả các nguồn. Niềm vui sống ở trong căn nhà mới chưa được một năm thì chị nhận được tin báo của UBND phường về việc phải tháo dỡ do nhà xây trên đất nông nghiệp. Lúc này, chị Hồng tá hỏa tìm cách liên hệ với chủ đầu tư là ông T.T.V nhưng không được. Sau khi được cán bộ phường giải thích, chị mới ngỡ ngàng biết rằng hồ sơ công chứng vi bằng không đủ cơ sở thể tách lô, ra sổ như hứa hẹn của người bán.

“Cả cuộc đời đi làm công nhân tích góp mới gom được ít tiền để kiếm một mái nhà cho con mình có chỗ ở, chứ ở trọ suốt ngày con bệnh. Khi mua được căn nhà rất mừng và đến giờ còn nợ 500 triệu đồng. Thế nhưng bây giờ chị cũng như tất cả hộ dân ở đây khi gặp hoàn cảnh này đều không còn lối thoát, tất cả mất hết, sụp đổ hết”, chi Hồng nói.

 

Căn nhà của chị Tạ Thị Ánh Hồng chỉ là một trong số 12 căn xây trên đất nông nghiệp của ông T.T.V, bị tháo dỡ trong đợt này. Những người mua nhà của ông đều là công nhân từ các tỉnh đến Bình Dương làm việc. Họ tin vào người quen, người môi giới nên dùng số tiền tiết kiệm cả đời và cả tiền vay mượn để mua và giờ chỉ biết “ngậm đắng, nuốt cay” vì không tìm hiểu kỹ pháp lí căn nhà. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, 12 căn nhà bị cưỡng chế, phá dỡ được xây dựng trên diện tích gần 500m2, căn nhà nhỏ nhất gần 40m2 và rộng nhất là 58,6m2 với kết cấu 1 trệt, 1 lầu. Các căn nhà xây dựng trái phép từ khoảng cuối năm 2021, khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng thị xã Tân Uyên đã có biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong đô thị mà không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, sau khi bị nhắc nhở, chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng.

Ông Phạm Tuấn Khanh, Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh nói, chính quyền đã cắm biển cảnh báo người dân không được mua bán, giao dịch nhưng đều bị nhổ sạch. Sau đó, khi hoàn tất các bước để tháo dỡ thì phát hiện chủ đầu tư đã chuyển nhượng cho người dân. Ông Khanh nói thêm:

“Quá trình làm việc, chúng tôi đã có hướng dẫn, yêu cầu người dân viết đơn, liên hệ Tòa án nhân thị xã Tân Uyên để tòa án thụ lí. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân vẫn chưa nộp đơn lên tòa án. Trách nhiệm của địa phương sẽ tiếp tục mời, tuyên truyền, giải thích và yêu cầu họ tiếp tục làm đơn, đồng thời mời các cơ sở, đơn vị trợ giúp pháp lí hỗ trợ họ về thủ tục để tòa án bênh vực đòi quyền lợi cho họ”, ông Khanh cho biết.

Theo kế hoạch, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ thêm nhiều khu nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Nhiều nhất vẫn là ở thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, bởi đây là những địa phương có số lượng dân nhập cư đông, nhu cầu về nhà ở lớn.

Nguyên nhân để các khu nhà ở “mọc lên” trên đất nông nghiệp, lãnh đạo các địa phương giải thích, khi phát hiện các công trình như thế này thì lực lượng chức năng địa phương đã yêu cầu dừng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lợi dụng ban đêm, ngày lễ tiếp tục làm. Mặt khác, việc thi công xây dựng công trình được áp dụng công nghệ mới nên tiến độ thi công nhanh. Một số cá nhân, tổ chức dựng hàng rào chắn bên ngoài, bên trong tiến hành xây dựng, khi có lực lượng chức năng đến thì rời đi…

Từ thực tế đó, lãnh đạo UBND các địa phương cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt nhằm siết chặt quản lí xây dựng trên đất nông nghiệp. Riêng trong năm 2022, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương cùng lực lượng ở các địa phương đã triển khai 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền 124 trường hợp (trong đó có 48 trường hợp không phép, 2 trường hợp sai phép, 24 trường hợp vi phạm khác). Sở Xây dựng đã ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng; chuyển Sở Tài nguyên-Môi trường ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp xây dựng không đúng quy hoạch sử dụng đất.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, hiện nay, Bình Dương đang làm lại quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị để khớp với nhau. Đối với các khu nhà ở tự phát phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở sẽ được tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức hợp thức hóa thông qua việc lên thổ cư, cấp sổ đất và giấy phép xây dựng. Trường hợp không đúng quy hoạch sử dụng đất buộc tháo dỡ.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh khuyến cáo người dân muốn mua nhà đất người dân nên tìm hiểu thông tin quy hoạch để tránh hệ lụy: “Người dân muốn mua thì phải tìm hiểu trên trên trang thông tin điện tử của tỉnh, IOC (Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh), niêm yết ở địa phương về quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Người ta phải liên hệ với các cấp hỏi quy hoạch nhưng tỉ lệ không biết chỉ một phần nhỏ, tỉ lệ biết mà cố tình vẫn mua là nhiều”.

Việc các khu nhà tự phát “mọc lên như nấm” sẽ làm phá vỡ quy hoạch của tỉnh, cũng như gây áp lực lên hạ tầng đô thị. Do đó, cần sự quyết liệt hơn nữa nữa của các cấp, các ngành, địa phương. Bên cạnh “giải pháp mạnh” là cưỡng chế để răn đe thì cũng cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ quản lý để “mọc thêm” các căn nhà trên đất nông nghiệp./.