Lao động phổ thông chật vật tìm việc

’Dù tình hình tuyển dụng đã có tín hiệu khả quan hơn so với trước Tết Nguyên đán nhưng số lao động không có tay nghề vẫn rất khó khăn khi tìm việc

Mất việc đột ngột trước Tết Nguyên đán vì chủ sang nhượng công ty rồi bỏ trốn khi vẫn còn nợ lương, anh Lê Văn Kha cùng em trai rơi vào cảnh khốn đốn nên phải về quê. Trở lại TP HCM gần nửa tháng nay, đã nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng hai anh em vẫn chưa được công ty nào hồi đáp.

Ưu tiên người có tay nghề

Trước đó, anh Kha cùng em trai làm công nhân (CN) khâu ủi và phụ chuyền hàng tại Công ty Dịch vụ Thương mại V.N (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM), nên cả hai đều không có tay nghề.

“Tôi đã nộp hồ sơ ở 4 công ty nhưng vẫn chưa tìm được việc. Một số công ty tuyển nhiều chỉ nhận lao động thời vụ, làm 1-2 tháng. Những nơi tuyển ít thì họ ưu tiên tuyển người có tay nghề hoặc người quen trong công ty giới thiệu” – anh Kha nói. Ngoài tìm việc trực tiếp tại các công ty, anh Kha còn vào các nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội để tìm thông tin, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả. Hiện kinh tế gia đình trông chờ vào nguồn thu nhập của anh trai lớn đang làm CN may tại một doanh nghiệp (DN) tư nhân ở quận Bình Tân, TP HCM.

Lao động phổ thông chật vật tìm việc - Ảnh 1.

Không có tay nghề khiến nhiều lao động phổ thông xin việc làm khó khăn Ảnh: THẢO NGUYỄN

Tại Bình Dương, mới đây, hàng trăm người đã chen lấn nộp hồ sơ xin việc trước cổng Công ty TNHH Media Consumer Electric Việt Nam (KCN Việt Nam – Singapore I, TP Thuận An). Là một trong những người phải mang hồ sơ về, chị Nguyễn Thị Hương (SN 1997, quê Quảng Bình) cho biết trước đây chị làm CN sơn cho một DN gỗ ở KCN Nam Tân Uyên (thị xã Tân Uyên), từ tháng 9-2022, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị do DN không có đơn hàng. Sau khi nghỉ, chị Hương xin đi làm việc thời vụ. “Tết vừa rồi tôi về quê hơn 1 tháng, mới vào lại Bình Dương và đi xin việc trong các KCN nhưng đã hơn 1 tuần tôi vẫn chưa tìm được việc làm” – chị Hương buồn rầu.

Đây là thực trạng ở không ít địa phương, nhất là tại Bình Dương, khi nhiều DN lâm vào cảnh thiếu đơn hàng, nhiều người lao động (NLĐ) đã buộc phải tạm ngưng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước Tết.

Sau Tết, nhiều NLĐ quay trở lại TP HCM, Bình Dương… để tìm việc làm mới nhưng DN tuyển dụng lao động phổ thông không nhiều. Ông Nguyễn Văn Cơ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Media Consumer Electric Việt Nam, cho biết từ năm 2022 đến đầu năm nay, đơn hàng của DN không bị ảnh hưởng, thu nhập NLĐ ổn định. Tuy nhiên, để bảo đảm đơn hàng, vừa qua công ty chỉ tuyển thêm 50 lao động để đủ 500 nhân sự, do đó nhiều người đến sau phải mang hồ sơ về.

Người lao động phải tự thích nghi

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết từ đầu năm 2023, các DN trên địa bàn cần tuyển khoảng 10.000 lao động. Trong đó, có 35% là tuyển mới để mở rộng sản xuất, số còn lại là bù đắp lượng lao động thiếu hụt sau Tết.

Để kết nối việc làm cho NLĐ, sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động cũng như tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Ngoài thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ nghỉ việc, ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm để người cần việc làm tiếp cận được công việc như mong muốn. “Qua khảo sát, hiện đa phần NLĐ chưa tìm được việc làm đều do có sự lựa chọn như: làm việc gần chỗ ở, công ty có tăng ca… nên mới xảy ra tình trạng nơi thiếu, nơi thừa” – ông Tuyên phân tích.

Còn bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài, Công ty CP Kết kối Nhân Tài (quận 1, TP HCM), cho rằng từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thị trường có nhiều biến động khiến nhiều DN chủ động thu hẹp quy mô, tập trung vào những sản phẩm trọng yếu. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới thị trường lao động tại Việt Nam, nhất là lao động phổ thông. Đây là nhóm đối tượng dễ bị thay thế bởi công nghệ hoặc cắt giảm khi tình hình kinh doanh không tốt.

Để thích ứng với thị trường lao động cạnh tranh và khan hiếm công việc như hiện nay, bà Trân cho rằng NLĐ cần tự trang bị những kỹ năng và tư duy mới. Với sự phát triển của công nghệ, nhiều vị trí việc làm mới ra đời, do đó NLĐ phải học hỏi thêm những kiến thức để dễ dàng thích ứng với công nghệ.

“Bên cạnh đó, nếu NLĐ có những kỹ năng, năng động, giao tiếp tốt… vẫn được các DN ưa chuộng. Hãy tận dụng khoảng thời gian trống để nâng cao tay nghề, bởi một nhân sự sẵn sàng thay đổi và thích nghi, trang bị kiến thức, kỹ năng tốt sẽ luôn được các DN trọng dụng” – bà Trân nói.

Hơn 10.000 vị trí việc làm chờ người lao động

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP HCM (YES Center), cho biết nhằm kết nối cung cầu giữa DN và NLĐ, sáng 25-2, YES Center sẽ phối hợp với một số đơn vị tại TP HCM và hơn 30 tỉnh, thành tổ chức chương trình “Tiếp sức NLĐ và Sàn giao dịch việc làm năm 2023” diễn ra tại Học viện Cán bộ TP HCM (quận Bình Thạnh). Tham gia sự kiện có hơn 100 DN, trong đó có 40 DN tuyển dụng trực tiếp với trên 10.000 vị trí việc làm ở nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, chương trình còn trực tiếp tư vấn việc làm, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm… cho NLĐ tại các bến xe ở TP HCM.