43 Views

Sau 2 vụ việc mì ăn liền có chứa chất cấm Etylen Oxit, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm.
Gần đây dư luận xôn xao với thông tin 2 thương hiệu mì ăn liền của Việt Nam có chứa chất cấm Etylen Oxit. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương đã có văn bản đề cập về vấn đề này. Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết Etylen Oxit (EO), hay còn gọi là Oxiran, là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.

EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô. Đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,nhằm diệt khuẩn Salmonella. Theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng nhất định, ở mức thấp.

Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.

Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.

Hiện nay, các nhà chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.

Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này.

Đối với Hoa Kỳ và Canada, hiện nay, hai quốc gia này cho phép sử dụng EO trong khử trùng thảo mộc và rau củ khô.

Trong khi đó, tại Úc và New Zealand, trước năm 2003, khu vực này cho phép sử dụng EO trong xử lý nông sản và quy định ngưỡng giới hạn dư lượng là 20 mg/kg. Từ năm 2003, EO đã bị loại bỏ khỏi danh sách chất được sử dụng.

Tuy có ghi nhận nguy cơ EO tồn tại trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, Úc và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với EO.

Còn tại Hàn Quốc, trong tháng 7 năm 2021, một số sản phẩm mì ăn liền do Hàn Quốc sản xuất bị EU cảnh báo về dư lượng EO. Qua quá trình kiểm tra, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết doanh nghiệp không sử dụng EO trong sản xuất.

Từ vụ việc này, Hàn Quốc đã ban hành quy định tạm thời về giới hạn dư lượng cho phép đối với hợp chất 2-chloroethanol là dưới 30 mg/kg đối với thực phẩm thông thường, dưới 10 mg/kg đối với thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Sản phẩm phở khô vị bò gà của Thiên Hương bị thu hồi ở Na Uy.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phó Đức Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và Kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam về vấn đề này.

  • Vụ Khoa học và Công nghệ hiện nay, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này. Điều đó có nghĩa một chất bị cấm tại nước này nhưng có thể không bị cấm ở nước khác đúng không thưa ông?

Vụ Khoa học và Công nghệ trả lời như vậy là đúng. Các mức quy định giới hạn tuỳ từng quốc gia là đương nhiên. Ở nước này, sức khoẻ người dân tốt, liều lượng như vậy là không ảnh hưởng nhưng ở nước khác có thể ngược lại. Ví dụ, Nhật Bản quy định tỷ lệ vi sinh rất nhỏ nhưng nhiều nơi khác lại cho phép rộng rộng hơn. So sánh đơn giản ở mỗi cá nhân. Khi tôi đưa ra một quan điểm, sẽ có người vui vẻ chấp nhận nhưng sẽ có người không đồng ý.

Mỗi nước có quy định cụ thể của họ, có nước đồng ý nhưng có nước lại không. Vấn đề ở đây là thông tin. Nếu thông tin không rõ ràng thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Có những trường hợp, doanh nghiệp chưa chắc đã phải là vi phạm. Đấy là nói chung. Vì thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để tránh gánh hậu quả.

  • Vậy doanh nghiệp cần làm gì để tránh được trường hợp của 2 thương hiệu mì tôm kể trên thưa ông?

Doanh nghiệp muốn xuất đến quốc gia nào thì phải tìm hiểu kĩ pháp luật quốc gia đó vì có những trường hợp luật pháp Việt Nam không cấm nhưng luật pháp nước ngoài lại cấm. Vì thế, về nguyên tắc, doanh nghiệp phải biết luật pháp nước nhập khẩu cấm cái gì, và với từng chất cụ thể thì tỷ lệ như thế nào để đáp ứng được yêu cầu.

Báo chí đã nhiều lần nhắc đến câu chuyện xuất khẩu cá tra, cá basa sang Nhật Bản. Không nói về cáo buộc bán phá giá, thì đã có vấn đề, đó là Nhật Bản yêu cầu sản phẩm không có chất này, chất kia. Quy định đó cản trở nhiều cho xuất khẩu. Doanh nghiệp không còn cách nào khác phải tuân theo quy định của nước sở tại.

  • Có trường hợp nào nước sở tại đặt ra quy định khắt khe để lập hàng rào kỹ thuật, nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước không thưa ông?

Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) được sinh là để hạn chế hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, Hiệp định TBT cũng có điều khoản giúp các nước sở tại tạo hàng rào kỹ thuật. Để thực hiện được điều đó, quốc gia phải chứng minh được lý do chính đáng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ bảo vệ sức khoẻ. Phải có bằng chứng nói rằng với chất A trong sản phẩm B phải đạt tỷ lệ bao nhiêu mới đảm bảo sức khoẻ cho người dân. Đó là quyền lợi của mỗi quốc gia. Nhưng nếu không chứng minh được thì đó là vi pham.

  • Cơ quan chức năng cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp thưa ông?

Mỗi quốc gia thường có tham tán thương mại. Cơ quan này sẽ cập nhật thông tin của từng quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng thường xuyên cập nhật thêm các chất cấm vào danh mục, ví dụ đưa danh mục phụ gia được phép dùng, dùng cho cái nào, tỷ lệ bao nhiêu. Quy chuẩn với từng loại một cũng được cập nhật.

Theo: https://congly.vn/vu-viec-mi-an-lien-co-chua-chat-cam-etylen-oxit-nhieu-quoc-gia-chua-co-quy-dinh-194872.html