65 Views

Lạm phát tại các thị trường trọng điểm tăng cao, càng về cuối năm, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ nội thất xuất khẩu trên khắp cả nước cũng như Đồng Nai càng gặp nhiều khó khăn. Đơn hàng sụt giảm, sản xuất cầm chừng, có những DN phải cho người lao động làm việc luân phiên, tính toán nghỉ Tết dài ngày hơn quy định.

Càng về cuối năm, sản xuất gỗ lại gặp thêm nhiều bất lợi. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia
Càng về cuối năm, sản xuất gỗ lại gặp thêm nhiều bất lợi. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng, DN ngành gỗ còn đối mặt với những áp lực khác như: điều tra thương mại, chống gian lận xuất xứ… đòi hỏi các đơn vị trong ngành phải đoàn kết lại hơn bao giờ hết.

* Bức tranh màu xám

Do khan hiếm đơn hàng, nhiều DN sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có những DN tính toán tạm hoãn hợp đồng, xấu hơn là cắt giảm lao động.

Theo bà Trần Thị Bích Lài, đại diện Công ty TNHH Gỗ Tân Dương (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) hiện đơn hàng giảm hơn 50% so với năm ngoái. Giai đoạn gần đây, công ty đã làm việc với nhiều đối tác ở Mỹ, làm thêm hàng mẫu để tìm thêm đối tác, duy trì công việc cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình vẫn rất khó khăn, không chỉ các tháng cuối năm mà sẽ ảnh hưởng đến năm sau.

Tương tự, đại diện một DN ở TP.Biên Hòa cho hay, tháng này hằng năm đang vào giai đoạn cao điểm tăng ca, mỗi tuần xuất 8-9 container hàng đi Mỹ nhưng nay chỉ xuất 4 container mỗi tháng. Do khó khăn về đơn hàng, từ tháng 9, DN này không còn tăng ca, tháng 10 cho công nhân nghỉ ngày thứ bảy trong tuần, qua tháng 12 sẽ làm việc với Công đoàn thỏa ước tạm hoãn hợp đồng. Hiện DN chỉ còn hơn 260 lao động trong tổng số 300 lao động.

Khó khăn từ các DN sản xuất kéo theo khó khăn của các đơn vị cung ứng nguyên liệu gỗ. Ông Nguyễn Công Thụy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Liên Khanh
(TP.Long Khánh) chia sẻ, các đối tác tiêu thụ nguyên liệu gỗ của công ty đang gặp nhiều khó khăn, làm cho doanh số bán hàng nguyên liệu của Liên Khanh sụt giảm. Là đơn vị có hơn 200 lao động, tình hình tài chính, kinh doanh khó khăn đang là mối lo của DN, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề, nhiều khoản lương, thưởng cho người lao động sẽ tăng so với thường ngày.

Gặp bất lợi từ thị trường xuất khẩu, các DN tìm cách quay lại thị trường trong nước với hy vọng dịp cuối năm sức mua mặt hàng nội thất tăng, đồng thời các công trình xây dựng bước vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, việc quay về thị trường nội địa là giải pháp ngắn hạn và không phải DN nào cũng thực hiện được bởi thị hiếu tiêu dùng nội địa khác thị trường xuất khẩu, dây chuyền sản xuất cho hàng xuất khẩu cũng có sự khác biệt với các đơn hàng nội địa. Việc chuyển hướng về thị trường nội địa không phải là chuyện nói hôm nay, ngày mai có thể làm được. Chưa kể, số lượng tương đối DN chuyển hướng về nội địa cũng sẽ làm cho cạnh tranh thêm gay gắt bởi nhu cầu tiêu thụ đang chững lại, hàng tồn gỗ nội thất cuối năm vẫn đang chờ người mua.

* Khó đạt mục tiêu xuất khẩu

Năm nay, ngành gỗ cả nước đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm.

Tuy nhiên, năm nay lạm phát đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là Hoa Kỳ và các nước trong Liên minh châu Âu khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các DN cũng bị tác động trực tiếp.

Tại Đồng Nai, năm 2021, ngành gỗ xuất khẩu được 1,86 tỷ USD. Tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản năm 2022 là 2 tỷ USD, nhưng với tốc độ hiện nay, con số này rất khó khả thi, trừ phi có những thay đổi hết sức thuận lợi trong thời gian còn lại.

Cụ thể, tính đến hết tháng 10, giá trị xuất khẩu mới cán mốc 1,6 tỷ USD. Điều đáng ngại là từ tháng 7 đến nay có xu hướng giảm dần, riêng tháng 9 và tháng 10 chỉ đạt con số tương ứng là 120 và 130 triệu USD. Với đà giảm tốc như vậy, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm, ngay cả con số 1,86 tỷ USD của năm ngoái cũng còn phải nỗ lực mới có thể đạt được.

Không chỉ khó khăn về thị trường tiêu thụ mà ngành gỗ xuất khẩu còn đối mặt với những áp lực khác. Bên cạnh việc bị điều tra gian lận xuất xứ nguồn gỗ, phải đạt được các chứng chỉ quản lý rừng bền vững… khi xuất khẩu thì ngày 3-11 mới đây, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam có công văn gửi Bộ
NN-PTNT, Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Nguyên do bởi lượng thuế VAT các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới khoảng 1 ngàn tỷ đồng, với hàng trăm DN hiện chưa được hoàn thuế.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm gần một nửa, DN thiếu hụt nguồn tiền trầm trọng thì những vướng mắc trong khâu hoàn thuế càng khiến cho DN gặp khó khăn, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị các cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ kịp thời, giảm thiểu tác động bất lợi đến DN.