Thời gian làm việc không theo lịch trình cố định; thường xuyên đương đầu với “cát tặc” ở vùng sông nước rộng lớn, trong đêm tối… là một số trong vô số những khó khăn, nguy hiểm mà các trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an TP.Biên Hòa phải trải qua trong quá trình truy bắt “cát tặc” trên sông Đồng Nai.
Cán bộ trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an TP.Biên Hòa tham gia bắt vụ khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Danh |
Đã có những đợt công tác, các trinh sát liên tục thức thâu đêm cả tuần để đấu tranh, triệt phá các vụ khai thác cát trái phép. Dù công việc còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những cán bộ, trinh sát môi trường vẫn tận tụy, miệt mài với công việc; luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
* Đối diện nhiều khó khăn, nguy hiểm
Sắp xếp lại tập hồ sơ trinh sát một vụ khai thác cát trái phép vừa được xác lập để báo cho chỉ huy đội, trung úy Trịnh Văn Khánh, cán bộ trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an TP.Biên Hòa cho biết, hơn 4 năm tham gia công tác trinh sát, trung úy Khánh cùng một số trinh sát khác tham gia hầu hết các vụ tuần tra, mật phục để lập hồ sơ, đấu tranh, triệt phá các vụ vi phạm trên lĩnh vực môi trường, đặc biệt là nạn khai thác cát trái phép dọc tuyến sông Đồng Nai qua địa bàn TP.Biên Hòa.
Theo thống kê của Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an TP.Biên Hòa, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng trinh sát của đội đã phát hiện 10 vụ khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai (đoạn qua TP.Biên Hòa), lập hồ sơ thu giữ 14 ghe các loại. |
Theo trung úy Khánh, công việc của cán bộ trinh sát không diễn ra thông thường như công tác điều tra. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, anh cùng với các trinh sát khác phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tra, mật phục, kể các những kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Yêu cầu cuối cùng là nắm cho được đặc điểm tình hình của địa bàn, nắm chắc đối tượng có hành vi vi phạm trên lĩnh vực này để lập kế hoạch đấu tranh, xử lý.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trung úy Khánh cùng các trinh sát của đội đã tham gia khoảng hơn chục vụ truy bắt đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Để bắt được những vụ khai thác cát trái phép này, các cán bộ trinh sát phải mất rất nhiều thời gian, công sức theo dõi; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và phải làm tốt công tác tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong việc tố giác, cung cấp thông tin. Có những vụ, cán bộ trinh sát liên tục cất công thức trắng đêm cả tuần đến chục ngày mới phá được.
Kể về những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trung úy Khánh cho biết, do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép rất lớn nên các đối tượng hoạt động trên lĩnh vực này rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trung úy Khánh kể, khuya 10-10, anh cùng với các trinh sát của Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh sau khi canh nhiều ngày mới đột kích một điểm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua Vàm Cái Sứt (thuộc xã Long Hưng, TP.Biên Hòa), phát hiện một ghe gỗ đang hút cát dưới sông lên một sà lan đang neo đậu tại đây.
Khi phát hiện có công an, các đối tượng trên ghe gỗ nhanh chóng điều ghe chạy hướng về sông Bến Gỗ. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng trinh sát bám theo, các đối tượng đã bỏ lại ghe rồi nhảy xuống sông tẩu thoát trong đêm. Riêng chiếc sà lan do Châu Văn Nhanh (43 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) điều khiển đã bị lực lượng công an giữ lại cùng với khoảng 150m3 cát để phục vụ điều tra.
Theo trung úy Khánh, nguy hiểm nhất là những lần đánh giáp lá cà. Mặc dù lực lượng công an đã nổ súng chỉ thiên nhưng nhiều đối tượng bất chấp vẫn bám trụ giữ ghe để tìm cách trốn thoát. Trong trường hợp cán bộ trinh sát nhảy sang ghe để trấn áp, các đối tượng thường rút lù nhấn chìm ghe.
“Đây chính là những khoảnh khắc mà nhiều cán bộ trinh sát không nhanh chân có thể sẽ gặp nguy hiểm, bị cuốn theo ghe khi bị đối tượng rút lù” – trung úy Khánh cho biết.
* Vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ
Thời gian qua, giữa Công an TP.Biên Hòa thường xuyên phối hợp với công an các địa bàn lân cận như tỉnh Bình Dương, TP.HCM để đấu tranh, ngăn chặn nạn khai thác cát ở khu vực giáp ranh.
Trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an TP.Biên Hòa sử dụng ca nô tuần tra trên sông Đồng Nai. Ảnh: T.Danh |
Trong “cuộc chiến” chống “cát tặc” trên sông Đồng Nai, trước đây đã có một cán bộ công an xã Thạnh Hội (TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tử vong khi đuổi bắt cát trái phép dọc tuyến sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa TP.Biên Hòa và TX.Tân Uyên vào khuya 10-8-2020. Đó là đại úy Lê Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội.
“Khi nghe tin đồng nghiệp ở tỉnh bạn gặp nạn trong quá trình vây bắt “cát tặc” trên sông Đồng Nai, các anh em trong đội đã đến viếng thăm và chia buồn cùng gia đình. Chứng kiến cảnh đồng đội của mình phải ngã xuống trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn “cát tặc”, các anh em chiến sĩ trong đội lại càng quyết tâm trong cuộc chiến chống lại các đối tượng khai thác cát trái phép” – trung úy Khánh cho biết.
Cùng tham gia công tác trinh sát tại Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an TP.Biên Hòa nhiều năm, thượng úy Nguyễn Thành Trung thường xuyên sát cánh với các cán bộ, trinh sát trong đội truy bắt “cát tặc” trên sông Đồng Nai.
Theo thượng úy Trung, làm công tác trinh sát trên lĩnh vực môi trường, ngoài thường xuyên xa gia đình, vợ con, còn phải đối diện với hiểm nguy khi truy bắt “cát tặc” giữa đêm tối mênh mông sông nước. Nhiều đối tượng khai thác cát trái phép rất rành địa hình sông nước, khi bị phát hiện tìm cách chống trả quyết liệt và di chuyển rất nhanh nếu lực lượng trinh sát không nhanh nhạy sẽ gặp nguy hiểm. Khó khăn là như vậy nhưng các anh em trong tổ trinh sát vẫn luôn động viên nhau đảm bảo an toàn cho lực lượng, cho người dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Có những lần nhận những cuộc điện thoại giữa đêm từ người dân trình báo về nạn khai thác cát và những lần nhận được lời cảm ơn thân tình và niềm tin của những người dân, anh em chúng tôi lại lấy đó làm động lực mà tiếp tục làm nhiệm vụ” – thượng úy Trung chia sẻ.
Cũng theo thượng úy Trung, có được những động lực đó là nhờ vào sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa và Ban chỉ huy Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường trong suốt quá trình làm nhiệm vụ. Đặc biệt, phải chứng kiến những mất mát, thiệt hại của người dân trước tình trạng khai thác cát trái phép, anh em chiến sĩ lại càng quyết tâm đấu tranh để ngăn chặn tình trạng này.
Thiếu tá Đỗ Hồng Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, môi trường Công an TP.Biên Hòa cho biết, công tác trinh sát trên lĩnh vực môi trường gặp rất nhiều khó khăn nên Ban chỉ huy đội thường xuyên động viên các cán bộ, chiến sĩ khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ, phát huy tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng công an. Trong đó, quá trình công tác phải nâng cao hiệu quả vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân.
Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa, đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng trinh sát bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các vụ khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, không để “cát tặc” lộng hành như trước đây.
Thượng tá LƯƠNG ĐẠI THỦY, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho biết, để bắt được một vụ khai thác cát trái phép, các anh em trinh sát phải bám trụ bến bãi, sông nước nhiều ngày đêm. Ngoài phát hiện, truy bắt đối tượng, việc khó khăn, gian khổ không kém là đeo bám và trục vớt ghe bị nhấn chìm. Để vớt được một chiếc ghe, các trinh sát phải cắm sông, định vị và ngụp lặn với sông nước có khi nhiều ngày mới thành công. |