Lâm vào cảnh thất nghiệp do nhiều DN bị giảm đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân công. Không xin được việc làm, nhiều lao động đành chấp nhận quay lại quê nhà, tìm cách mưu sinh…
Rời quê hương đi lập nghiệp tại các tỉnh, thành phố lớn với hy vọng thoát nghèo, nhưng rồi dịch Covid-19 ập đến khiến cuộc sống của những người lao động xa quê gặp muôn vàn khó khăn. Sau dịch, công nhân lại rơi vào cảnh thất nghiệp do ảnh hưởng tình hình thế giới, nhiều DN bị giảm đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân công. Không xin được việc làm, nhiều lao động đành chấp nhận quay lại quê nhà, tìm cách mưu sinh.
Xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là tại các “thủ phủ” công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM.
Chật vật mưu sinh
Trời nhá nhem tối, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TP.HCM) vội vàng thu dọn hàng hóa để về phòng trọ, chuẩn bị cơm nước cho chồng kịp đi làm ca tối.
Tuy không nằm trong danh sách gần 2.400 công nhân bị cắt hợp đồng lao động, song do không có đơn hàng, chị Thủy vẫn phải nghỉ luân phiên. Chị Thủy cho biết, nửa tháng qua chị vẫn chưa đi làm và được công ty hỗ trợ 180.000 đồng/ngày. Còn chồng chị Thủy là công nhân ép đế giày, mỗi tháng cũng chỉ làm việc 20 ngày. Để trang trải chi tiêu, hai vợ chồng phải về quê ở An Giang, mang cá khô, mắm… lên bán. Nhưng việc bày bán tự phát ở vỉa hè thường xuyên bị lực lượng quản lý đô thị kiểm tra, xử phạt nên cũng có những ngày chị Thủy không buôn bán được gì.
“Nếu cứ phải nghỉ dài dài như thế này thì chết đói, vợ chồng tôi xoay không nổi! Một tháng tiền học, tiền ăn, tiền thuê phòng gần chục triệu đồng mà tháng nào cũng phải chi”, chị Thủy trăn trở.
Công việc bấp bênh, giảm giờ làm, mất thu nhập… là tình cảnh chung của nhiều công nhân lao động ở các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Nhiều người ngao ngán và họ đang lưỡng lự với suy nghĩ tiếp tục bám trụ chờ cơ hội hay trở về quê.
Rời phố về quê
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife) được công bố giữa tháng 3, trong số 1.200 người lao động đang làm việc tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, có 83,3% đang làm việc và 16,7% đã trở về quê để làm việc gần nhà. Cũng theo thống kê này, trong số 1.000 người đang đi làm xa quê thì có 15,5% người chắc chắn trong thời gian tới sẽ về quê làm việc lâu dài, 44,6% người không chắc chắn và 39,9% người không có dự định trở về quê làm việc.
Là 1 trong hàng ngàn công nhân trẻ đã rời bỏ phố thị sau nhiều năm cực nhọc mưu sinh ở Bình Dương, vợ chồng anh Trương Tuấn Phong – chị Hà Thị Thúy, quê Thanh Hóa cho biết, thời điểm trước làm việc ở một công ty gỗ, nhờ được tăng ca nên có dư chút ít. Sau giai đoạn đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19, DN bị giảm đơn hàng khiến anh chị phải nghỉ làm.
Không bằng cấp cũng chẳng có tay nghề, hai vợ chồng chở nhau đi khắp các khu công nghiệp để xin việc nhưng đều bị từ chối. Tháng 9/2022, số tiền dành dụm sắp cạn, anh chị đành khăn gói về quê và hiện giờ đã ổn định công việc tại quê nhà.
“Hai vợ chồng về quê giờ đi cắt và làm keo. Công việc tuy nặng nhọc, vất vả nhưng được cái là ở gần nhà, gần con và có người đưa con đi học. Dù thế nào hai vợ chồng cũng cố gắng làm để kiếm tiền nuôi con ăn học”, anh Trương Tuấn Phong tâm sự.
Cũng phải trở về quê sau gần 1 năm làm việc ở TP.HCM, giờ đây chị Nguyễn Thị Lan, 30 tuổi, quê Vĩnh Long lại thấy hài lòng với quyết định của mình. Không phải thuê trọ với chi phí đắt đỏ, không còn chịu cảnh khói bụi, kẹt xe, sau giờ làm chị được quây quần bên mâm cơm gia đình, chơi đùa cùng con nhỏ.
Theo chị Lan, khi làm việc ở Vĩnh Long được tính mức lương tối thiểu vùng 2, lương cơ bản của công nhân thấp hơn 1 triệu đồng so với TP.HCM, nhưng quê lại có không gian thoáng mát, cuộc sống thoải mái hơn rất nhiều.
“Ở Vĩnh Long này cũng có khu công nghiệp, bây giờ lương lên vùng 2 nên chênh lệch không đáng kể lại được ở nhà. Chi phí ăn uống, đi lại cũng rẻ vì trái cây trong vườn có sẵn. Ở đây nếu chịu khó tăng ca thu nhập có thể hơn 10 triệu đồng/tháng, còn mức 9 – 10 triệu đồng/tháng là bình thường”, chị Lan cho biết.
Cơ hội tìm việc làm không quá khó, lại được gần gũi gia đình và người thân và tiết kiệm được chi phí sinh hoạt… là lý do chính khiến nhiều lao động có ý định về quê làm việc lâu dài. Đồng thời, với chính sách của Nhà nước mở các khu công nghiệp tại các tỉnh, không tập trung ở một số thành phố lớn như trước đây, đã và đang thôi thúc nhiều người trở lại quê nhà để ổn định cuộc sống.
Nhiều nhà tuyển dụng nhận định, dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã làm thay đổi rất nhiều thứ, trong đó có cách nhìn nhận của người lao động về cuộc sống tha hương cầu thực. Tình hình chuyển dịch lao động đang đặt ra nhiều “bài toán” về nhân lực cho DN trong các khu công nghiệp lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, đồng thời đòi hỏi các “thủ phủ công nghiệp” – nơi có lượng lớn lao động nhập cư phải có ngay phương án đảm bảo hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Nội dung này sẽ được đề cập trong bài 2 của loạt bài “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trước bối cảnh dịch chuyển lao động” của nhóm phóng viên thường trú tại TP.HCM./.