Bệnh nhân Covid-19 ở Bình Dương được công bố khỏi bệnh tăng kỷ lục, đây là một tín hiệu rất mừng, chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng“, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Lượng bệnh nhân ra viện ở Bình Dương lập kỷ lục
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 Bình Dương, tình hình khống chế dịch Covid-19 nơi đây đang có những tín hiệu khả quan. Ở tầng 3 trong mô hình “tháp điều trị 3 tầng” của Bộ Y tế, Bình Dương đang thiết lập thêm 1 bệnh viện hồi sức tích cực với năng lực điều trị là 337 giường để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đã triển khai cải tạo bệnh viện Lao và bệnh phổi để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Như vậy, đến nay tỉnh này đã có 3 trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
Ở tầng 2, việc cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện huyện như Dĩ An, Thuận An, Dầu Tiếng, Bàu Bàng cũng đã được thiết lập và tới đây sẽ mở rộng thêm tới bệnh viện ở Bắc Tân Uyên. Đây là tuyến điều trị rất quan trọng vì nếu bệnh nhân có triệu chứng trở nặng được sớm điều trị tích cực, sẽ không phải chuyển lên tầng 3 – tầng điều trị bệnh nhân nặng.
Những ngày qua, số bệnh nhân mắc mới Covid-19 của Bình Dương liên tục tăng cao do tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng. Dự báo số ca mắc mới tiếp tục tăng cao.
Về vấn đề này, ông Hiếu nói: “Đúng là số ca mắc mới của Bình Dương đang tăng cao. Tuy nhiên với việc áp dụng đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân ra viện của Bình Dương những ngày qua đã lập những kỷ lục. Có ngày lên đến gần 5.000 người được ra viện. Số bệnh nhân công bố khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới”.
Kết nối chặt chẽ người nhiễm Covid-19 tại nhà và y tế
Bình Dương đang thực hiện theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ ở nhà. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, việc này nhằm 2 mục đích: không để bệnh nhân diễn biến nặng, chuyển xấu tại nhà và hạn chế sự lây nhiễm.
“Chính quyền địa phương, y tế cơ sở, tổ Covid cộng đồng phải nắm thật chắc hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế. Công việc này không chỉ có ngành y tế đảm trách mà phải có sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể”.
Cũng theo PGS.TS Hiếu, mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức hướng dẫn tổ cấp cứu lưu động để sẵn sàng ứng cứu bệnh nhân tại nhà. Chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong theo dõi bệnh nhân để phát hiện sớm, điều trị sớm cho người bệnh.
Bên cạnh đó, người nhiễm Covid-19 đang theo dõi sức khỏe và điều trị tại nhà phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, phải nắm rõ đầu mối liên lạc của nhân viên y tế được phân công theo dõi. Người bệnh luôn lắng nghe cơ thể của mình để kịp thời báo cho nhân viên y tế những diễn biến mình gặp phải.
Khi có các biểu hiện cảm cúm như đau cơ nhiều hơn, vã mồ hôi, huyết áp tụt cần phải liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hướng dẫn.
“Tôi luôn lưu ý người nhiễm Covid-19 điều trị ở nhà phải liên hệ chặt chẽ với nhân viên y tế”, ông nói.
Bình Dương đã đặt mục tiêu sớm trở lại trạng thái bình thường mới ngay đầu tháng 9 này. Với mục tiêu này, ông Hiếu cho biết: “Những ngày gần đây, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh đã nhiều hơn đây là một tín hiệu rất mừng, chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng”.
Quyết định chống dịch thành công hay không là phải đảm bảo số ca nhiễm trong cộng đồng không tăng cao nữa và phải có xu hướng giảm, lúc đó mới nghĩ đến trạng thái bình thường mới.
“Tôi rất hy vọng hết tháng 8 này, Bình Dương đi qua đỉnh dịch. Để đạt được mục tiêu này, tôi rất mong muốn người dân Bình Dương ai ở đâu, ở yên đấy”, ông Hiếu nói thêm.
Theo: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tin-hieu-tot-o-binh-duong-so-f0-khoi-benh-nhieu-hon-ca-mac-moi-768048.html