86 Views

Người dân sống tại khu vực Đông Nam Bộ có tuổi thọ cao nhất cả nước, trong đó người TP.HCM và Đồng Nai tuổi thọ trung bình 76,5.

Tổng cục Thống kê cho biết trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, người dân ở 5 địa phương có tuổi thọ trung bình trong giai đoạn 2016-2020 ở mức cao là Đồng Nai, TP.HCM (cùng 76,5 năm); Bà Rịa – Vũng Tàu (76,4 năm); Đà Nẵng (76,1 năm) và Tiền Giang (75,9 năm).

Địa phương có số tuổi thọ của người dân ở mức thấp là Lai Châu, Kon Tum, Hà Giang, Điện Biên và Quảng Trị.

“Nhìn chung tuổi thọ trung bình của các địa phương tăng dần qua các năm. 56 địa phương có tuổi thọ tính từ lúc sinh năm 2020 cao hơn năm 2016; chỉ có 3 địa phương không thay đổi và 4 địa phương có mức giảm”, Tổng cục Thống kê nêu trong báo cáo về chỉ số phát triển con người, công bố ngày 31/3.

Người dân TP.HCM có chỉ số sức khỏe cao nhất cả nước

Theo đó, những địa phương có tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh không thay đổi hoặc giảm chủ yếu là do biến động mạnh về cơ cấu dân cư trên địa bàn, thể hiện rõ ở tỷ suất nhập cư, xuất cư cao trong những năm 2016-2020.

Đáng lưu ý, hầu hết địa phương có tuổi thọ tăng với mức cao nhất trong những năm vừa qua là địa phương có tuổi thọ thấp, sinh sống ở miền núi, vùng cao.

Do tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tăng nên chỉ số sức khỏe của các địa phương đều đạt khá cao. Năm 2020, người dân ở TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu có chỉ số sức khỏe cao nhất cả nước. Trong khi người dân ở địa phương có chỉ số sức khỏe đạt mức thấp hầu hết tập trung trên địa bàn trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Người dân ở TP.HCM có tuổi thọ trung bình và chỉ số sức khỏe cao nhất cả nước. Ảnh: Chí Hùng.

Về chỉ số giáo dục, Tổng cục Thống kê chỉ ra việc này được tính dựa trên chỉ tiêu số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng. Nhìn chung, hai chỉ tiêu này phần lớn địa phương duy trì được mức tăng.

Những địa phương có số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng đạt cao tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và một số địa phương vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Phần lớn các địa phương vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi phía Bắc có số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng tuy tăng qua các năm, nhưng vẫn ở mức thấp.

Những địa phương có chỉ số giáo dục thấp tập trung trên các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; phản ánh tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ giáo dục ít được cải thiện. Chỉ số giáo dục năm 2016 của Hà Nội gấp 1,79 lần Lai Châu và gấp 1,63 lần Hà Giang. Đến năm 2020, các tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, tương ứng là 1,74 lần và 1,57 lần.

Cần giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục
Tại báo cáo, Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số thu nhập của các địa phương trên cả nước. Chỉ số này được tính dựa trên tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố (GRDP) quy đổi bình quân đầu người theo USD – PPP. Kết quả tính toán cho thấy, GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của tất cả các địa phương đều tăng so với năm 2016.

Cụ thể, GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của một số địa phương đã tăng ở mức cao, gấp trên 1,5 lần năm 2016 gồm Hải Phòng, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lào Cai…

Trong khi đó, xu hướng tăng GRDP quy đổi bình quân đầu người của một số địa phương có dấu hiện chững lại với mức tăng mỗi năm không quá 6%, gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Dương.

Các kết quả thu nhận được cũng cho thấy khoảng cách giữa địa phương đạt mức cao với địa phương có chỉ số thu nhập thấp chênh lệch khá lớn.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết do GRDP quy đổi bình quân đầu người của địa phương được tính trên cơ sở chuyển đổi GRDP với cùng hệ số, không loại trừ được sự khác biệt về thu nhập ròng của lao động thường trú và thu nhập sở hữu từ bên ngoài.

Do đó, những địa phương có đầu tư lớn từ địa phương khác trong nước hoặc từ nước ngoài thường có chỉ số thu nhập cao hơn các địa phương khác, tính so sánh giữa các địa phương bị hạn chế.

Tổng cục Thống kê cho biết trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam mới đạt mức bình quân của khu vực, xếp thứ 7/11 quốc gia Đông Nam Á.

Báo cáo HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do vậy, HDI phải được xác định là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương.

Đồng thời, các chỉ số cho thấy cần một hệ thống giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; đặc biệt là giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người.

Trong y tế, cần tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế gia đình. Trong giáo dục, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng số năm đi học kỳ vọng đang ở mức thấp và tăng chậm hiện nay.

Còn trong lĩnh vực kinh tế, dù đã được kiềm chế, lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao; cần có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ.

Theo Zing