88 Views

GRDP của Bình Dương cao hơn Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng dân số đông hơn, nên thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP của Bình Dương thấp hơn Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong báo cáo về Chỉ số phát triển con người của Việt Nam (HDI) giai đoạn 2016-2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đứng đầu cả nước về mức GRDP quy đổi bình quân đầu người (chỉ số thu nhập).

Thế nhưng, trong kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 cũng do đơn vị này công bố năm 2021, Bình Dương lại là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước (hơn 7 triệu đồng/tháng).

Người dân vui chơi tại bãi biển Vũng Tàu hồi tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lý giải câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, Tổng Cục Thống kê, cho biết có sự khác biệt đáng kể giữa thu nhập bình quân đầu người và chỉ số thu nhập.

Cụ thể, chỉ số thu nhập trong HDI được tính dựa trên GRDP bình quân đầu người – con số phản ánh kết quả hoạt động sản xuất của các đơn vị đang thường trú trên địa bàn của địa phương.

Về góc độ thu nhập, GRDP gồm thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của một địa phương không bao gồm thuế sản xuất (phần thu của Nhà nước) và khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất (thu của doanh nghiệp), nhưng bao gồm cả phần thu nhập từ sở hữu và chuyển nhượng từ bên trong hoặc ngoài địa phương. Phần thu nhập từ sở hữu và chuyển nhượng này không làm tăng GRDP, nhưng làm tăng thu nhập.

Do đó, những tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương thì sự khác biệt giữa GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là khá đáng kể.

Xét riêng Bà Rịa – Vũng Tàu, GRDP của Vũng Tàu luôn đứng đầu cả nước dẫn đến chỉ số thu nhập của tỉnh này luôn cao nhất (từ 2016 đến 2020). Nguyên nhân chủ yếu là đóng góp của các doanh nghiệp khai thác dầu khí đóng trên địa bàn tỉnh.

Lợi nhuận hoặc thu nhập thực tế từ hoạt động khai thác dầu khí này thuộc về Trung ương hoặc thuộc về quốc gia khác nhưng theo nguyên tắc, dầu khí được tạo ra trên phạm vi của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên giá trị thặng dư được tính vào GRDP của địa phương. Cụ thể, năm 2020, đóng góp của riêng hoạt động khai thác dầu khí vào GRDP của tỉnh chiếm đến 36,7%.

Đối với Bình Dương, đây là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều khu chế xuất và doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, GRDP của tỉnh này cao hơn Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, dân số ở Bình Dương cũng gấp 2,3 lần dân số Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, GRDP bình quân đầu người của Bình Dương thấp hơn Bà Rịa – Vũng Tàu, tức chỉ số thu nhập thấp hơn.

Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI. Ảnh chụp tháng 12/2021. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nếu so sánh thứ hạng về chỉ số thu nhập và thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng, có thể thấy sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, Bà Rịa – Vũng Tàu đứng đầu về chỉ số thu nhập, nhưng thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 (4,61 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, Bình Dương xếp thứ 3 về chỉ số thu nhập, nhưng đứng đầu về thu nhập bình quân đầu người (xấp xỉ 7,2 triệu đồng/tháng).

Đáng chú ý là trường hợp của Thái Nguyên, dù xếp hạng chỉ số thu nhập thứ 10 trên cả nước, nhưng thu nhập bình quân đầu người lại đứng cuối bảng (xếp hạng 63 với 1,737 triệu đồng/tháng).

Theo Zing