53 Views

TTO – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được hoãn trả nợ với khách hàng ở vùng giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa gửi văn bản góp ý dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 01 về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lên Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, đối với khoản vay của khách hàng ở trong vùng giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng được hoãn trả nợ đến hết 15 ngày sau ngày công bố chấm dứt thực hiện chỉ thị 16.

Trừ trường hợp khách hàng tự nguyện trả nợ thông qua các hình thức như chuyển khoản, nộp tiền vào tài khoản, tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ.

Đồng thời, các khoản nợ được hoãn sẽ được giữ nguyên nhóm nợ khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc, lãi hoặc được tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện gia hạn/cơ cấu nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện chỉ thị 16.

Về góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Vì với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.

Đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất nên xác định cơ cấu khoản nợ tại thời điểm trước ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch như thông tư 01 sẽ phù hợp hơn.

ảnh minh họa

Còn nếu sửa như Ngân hàng Nhà nước đề xuất là thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng đến hết ngày 30-6 năm sau thì cũng không loại trừ khả năng lại phải sửa đổi thông tư thêm một lần nữa.

Bởi đại dịch này vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, không thể đặt mục tiêu một cách chính xác thời hạn trả nợ được.

Đây là lần thứ 3 sửa đổi thông tư 01 kể từ khi bùng phát đại dịch này. Việc sửa đổi, bổ sung thông tư 01 nhiều lần còn gây chậm trễ, không kịp thời trong việc hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo: https://tuoitre.vn/de-nghi-hoan-tra-no-voi-khach-vay-o-vung-gian-cach-20210830185206811.htm