63 Views

579 xã, phường, thị trấn ở Hà Nội được giao thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, nhằm phòng chống bệnh dại trên người và vật nuôi.

Theo kế hoạch phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 mới ban hành, UBND Hà Nội yêu cầu người dân khai báo việc nuôi chó mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt trong khuôn viên gia đình; bắt buộc rọ mõm, đeo xích khi đưa thú nuôi ra không gian công cộng; tiêm vaccine phòng dại định kỳ. Người nuôi chó mèo chịu chi phí nuôi dưỡng, tiêu hủy khi vật nuôi bị bắt và phải bồi thường, chịu trách nhiệm nếu vật nuôi làm hại đến người khác.

UBND xã, phường, thị trấn lập sổ quản lý, thống kê số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn; cập nhật tình trạng tiêm chủng của vật nuôi tối thiểu 2 lần/năm. Mỗi xã, phường bố trí khu vực nuôi nhốt, xử phạt chủ nuôi vi phạm quy định. Sau 48 giờ từ lúc có thông báo về động vật thả rông bị bắt, nếu không có chủ nuôi đến nhận, UBND cấp xã quyết định biện pháp xử lý.

Đợt ra quân bắt chó thả rông tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình tháng 10/2020. Ảnh: Minh Hải

Ngoài ra, UBND thành phố cũng yêu cầu tăng số lượng điểm tiêm vaccine và huyết thanh kháng bệnh dại cho người dân trên địa bàn, ít nhất một điểm ở mỗi quận, huyện; hỗ trợ điều trị dự phòng cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng xa…

Với trường hợp có ổ dịch dại, chủ nuôi chó mèo cần cung cấp, báo cáo sớm cho cơ quan chức năng; cách ly, theo dõi động vật nghi bị dại và tiêu hủy theo hướng dẫn. UBND các cấp có trách nhiệm xử lý ổ dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; lập chốt kiểm soát giao thông trên các trục đường chính ra vào vùng dịch, không để chó, mèo ra khỏi các khu vực có dịch.

UBND Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn 2022-2030 là quản lý trên 90% số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn; tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên 90%; 100% quận, huyện, thị xã có điểm tiêm vaccine và huyết thanh phòng dại cho người; phấn đấu đến năm 2030 không có người tử vong vì bệnh dại.

Từ cuối năm 2018, Thanh Xuân là quận đầu tiên ở Hà Nội lập đội săn bắt chó thả rông nhằm phòng chống bệnh dại. Đến cuối năm 2019, Ba Đình bắt đầu triển khai mô hình này. Với kế hoạch mới của thành phố, từ nay đến năm 2030, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ có một đội bắt chó thả rông.

Tổng đàn chó, mèo của thành phố hiện khoảng 460.000 con, đứng thứ hai cả nước sau Nghệ An. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Theo Nghị định 90/2017, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên.

Theo Vnexpress