TP HCMNhiều nhà máy phải giảm quy mô lao động, cho công nhân nghỉ luân phiên vì đơn hàng chưa có dấu hiệu phục hồi.
Vừa trở về nhà sau ca đêm, chị Trần Kim Phượng, làm việc tại Công ty F&P, chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) nhận được điện thoại của nhân sự yêu cầu 14h đến công ty. Từ hôm sau, chị không phải tới nhà máy làm việc. Hợp đồng lao động giữa hai bên còn thời hiệu đến tháng 4, công ty sẽ trả đủ ba tháng lương bao gồm cả phụ cấp và thưởng năng suất.
Nữ công nhân 25 tuổi kể lại tình huống mất việc hồi cuối tháng 2, không khỏi tiếc nuối khi đây là công việc phải chờ đợi gần nửa năm mới có được. Hồi tháng 5/2021, công ty đăng tuyển lao động, Phượng nộp đơn thì Covid-19 bùng phát, thành phố phải giãn cách. Đến đầu tháng 10, dịch được kiểm soát, chị mới bắt đầu đi làm với lương cơ bản hơn 5 triệu đồng mỗi tháng chưa kể phụ cấp nhà ở, đi lại, thưởng năng suất và tăng ca.
Trước ngày được nhân sự mời lên công ty hai hôm, Phượng nhận được thông tin tăng lương cơ bản lên gần 6 triệu đồng. Thế nhưng cô gái trẻ chưa kịp mừng đã phải nghỉ việc. Tổng số tiền hỗ trợ Phượng nhận được là 21 triệu đồng.
“Người ngoài nhìn vào thấy có một cục tiền thì vui nhưng tôi nghĩ có việc vẫn tốt hơn”, Phượng nói sau gần chục ngày cùng đồng nghiệp rải hồ sơ xin việc ở nhiều công ty nhưng chưa được hồi đáp.
Phía Công ty F&P lý giải không tái ký hợp đồng với khoảng 80 lao động do gặp khó khăn về đơn hàng, phải sắp xếp lại nhân sự. Tuy nhiên, công ty sẽ báo sớm trước 2-4 tháng. Trong suốt thời gian này, công nhân không phải đến nhà máy nhưng được trả đủ lương, thưởng, các khoản trợ cấp.
“Thay vì đưa công nhân đến các phòng chờ, luân chuyển làm các việc vặt để họ chán và tự nghỉ, chúng tôi chọn cách thông báo sớm để mọi người chuẩn bị, có thời gian tìm việc mới”, đại diện công ty nói. Các trường hợp không được tái ký hợp đồng trong đợt này được nhận 2-4 tháng lương, đúng bằng thời gian hợp đồng còn hiệu lực.
Đơn hàng chỉ còn 30% so với trước, Công ty TNHH R.L VN, chuyên sản xuất giày da ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức), cũng phải giảm hơn 2.000 lao động qua hình thức không tái ký hợp đồng lao động.
Từ cuối năm ngoái, công ty bắt đầu gom chuyền, cho nghỉ những công đoạn không cần thiết. Tuy nhiên, sau Tết tình hình ngày càng tệ khi đơn hàng tiếp tục giảm sâu. Tất cả công nhân hết hợp đồng đều không được tái ký do nhu cầu sản xuất không còn. Những trường hợp này không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Công ty cũng không phải báo cáo phương án sử dụng lao động lên cơ quan chức năng do không bắt buộc.
“Hiện công ty chỉ còn lao động có hợp đồng dài hạn nhưng chưa biết sắp tới ra sao”, đại diện công đoàn công ty nói. Chỉ còn 3.000 công nhân, giảm gần một nửa nhưng công việc cũng không đủ để làm, phải nghỉ thứ 6, 7. Ban giám đốc đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới thay thế nhưng chưa thấy tín hiệu lạc quan.
Không chỉ Công ty R.L VN và F&P phải thu hẹp quy mô lao động trong ngắn hạn, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP HCM, trong hai tháng đầu năm, các doanh nghiệp ở thành phố báo giảm hơn 34.000 người, con số này chưa bao gồm 2.358 công nhân Công ty Pou Yuen Việt Nam. Số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, trong thời gian này số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp là hơn 16.300 người. Dự kiến năm 2023, con số này khoảng 140.000 người, hơn nửa triệu người sẽ có nhu cầu tìm việc.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, thời điểm đầu năm số người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ giảm do lao động về quê không quay lại thành phố. Tuy nhiên, năm nay có thêm yếu tố ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp gặp một số khó khăn về đơn hàng nên thu hẹp quy mô sản xuất, giảm lao động. Chưa kể, tính đến hết tháng 1, toàn thành phố có hơn 1.300 doanh nghiệp giải thể, phá sản, không còn hoạt động.
Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Lâm, đánh giá tình hình lao động ở thành phố vẫn đang ổn. Riêng lĩnh vực gia công như dệt may, da giày, gỗ đơn hàng có giảm so với trước do tình hình chung của thế giới. Tuy nhiên, qua khảo sát, các hiệp hội dự báo tháng 6-7 đơn hàng sẽ dần ổn định. Hiện, ngoài Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cắt giảm hơn 2.300 công nhân, một số công ty gửi phương án sắp xếp lao động và ngành chức năng đang thẩm định để trả lời doanh nghiệp.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, toàn ngành có hơn 2.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động. Hiện, đơn hàng của toàn ngành vẫn giảm đến 30%. Do đó, để tiết giảm chi phí và phù hợp nhu cầu sản xuất, các nhà máy chắc chắn phải giảm lao động. Việc này sẽ khiến doanh nghiệp đối mặt tình trạng thiếu nhân công khi đơn hàng phục hồi.
Theo số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 năm ngoái đến hết tháng 1 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Trong số lao động bị ảnh hưởng có hơn 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc. Lao động trong doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng số người bị ảnh hưởng, tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam.