451 Views

Bộ Công an đề xuất mức chi cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tối đa là 5 triệu đồng mỗi vụ việc.

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) và đấu giá biển số xe.

Đề xuất 'thưởng' tối đa 5 triệu đồng cho người báo tin vi phạm giao thông- Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất mức chi cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tối đa là 5 triệu đồng (ảnh minh họa)

Theo dự thảo, lực lượng công an được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông 70 – 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe.

Các cơ quan khác được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB được ngân sách nhà nước bố trí 15 – 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB.

Về nội dung chi, Bộ Công an đề xuất các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, lực lượng công an cũng có thể chi để mua tin phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.

Về mức chi cụ thể, dự thảo nêu nếu mua tin thì mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhưng không quá 5 triệu đồng.

Trường hợp tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì mức chi không quá 5 triệu đồng mỗi vụ việc.

Đề xuất 'thưởng' tối đa 5 triệu đồng cho người báo tin vi phạm giao thông- Ảnh 2.

Dự thảo cũng đề xuất lực lượng công an có thể chi để mua tin phục vụ công tác xử lý vi phạm giao thông, mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt nhưng không quá 5 triệu đồng (ảnh minh họa)

Sẽ khuyến khích người dân tố giác vi phạm giao thông

Trước đây, lãnh đạo Cục CSGT Bộ Công an cho biết từng đề xuất cơ chế trả tiền cho người dân để mua lại các hình ảnh, video về vi phạm giao thông.

Theo đó, người dân có thể gửi clip tự quay hoặc trên camera hành trình tới cơ quan công an, để được tiếp nhận, xử lý. Nếu xử phạt được người vi phạm thì người ghi hình sẽ được trả một phần trong số tiền này.

Cuối tháng 11.2023, các tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai lần lượt ban hành kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh, video về hành vi vi phạm, thời gian, tuyến đường xảy ra vi phạm, biển số xe, đặc điểm của phương tiện hoặc chủ phương tiện. Công an tỉnh là đầu mối tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin phản ảnh của người dân.

Đặc biệt, UBND 2 tỉnh đề nghị kịp thời động viên, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào nêu trên.

Hồi tháng 8.2023, Công an TP.Hà Nội công khai trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 02439424451 để tiếp nhận phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân chủ động tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, việc kêu gọi nêu trên chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, chưa có cơ chế trả tiền để mua thông tin.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, ủng hộ đề xuất trong dự thảo do Bộ Công an soạn thảo, bởi việc này rất cần thiết trong bối cảnh vi phạm TTATGTĐB đang ngày càng phức tạp như hiện nay.

Theo luật sư, nhiều người dân sẵn sàng cung cấp thông tin, hình ảnh hoặc video về hành vi vi phạm giao thông mà không cần được trả tiền hay biểu dương. Họ làm vì nhận thấy cần ngăn chặn và xử lý những hành vi nêu trên.

Tuy vậy, nếu có hành lang pháp lý về việc khen thưởng cho người cung cấp thông tin, quy định này rõ ràng sẽ khuyến khích người dân hơn nữa trong việc tố giác, cung cấp hình ảnh hoặc thông tin về vi phạm.

Lực lượng CSGT không phải lúc nào cũng có mặt tại mọi thời điểm, mọi tuyến đường; nếu đông đảo người dân tham gia vào việc giám sát, cung cấp thông tin thì đây sẽ là một kênh rất hữu ích nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.

Đặc biệt, với việc giám sát của người dân, tài xế điều khiển phương tiện cũng nâng cao ý thức hơn, bởi lúc nào cũng có “tai mắt” giám sát, nếu vi phạm sẽ bị phát hiện ngay lập lức.

Theo: Báo Tuổi Trẻ