572 Views

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, công ty có bắt buộc phải thưởng cho người lao động hay không? Nếu hợp đồng lao động có ghi thưởng thì khiếu nại ra sao?

Công ty có bắt buộc phải thưởng vào nghỉ lễ Quốc khánh 2-9? - Ảnh 1.

Người lao động đọc kỹ hợp đồng lao động trước khi ký, nhất là phần lương thưởng khi trao đổi với nhà tuyển dụng – Ảnh: HÀ QUÂN

Công ty không thưởng có vi phạm?

Gửi tới Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Thanh Hoàng chia sẻ: “Trong hợp đồng lao động, công ty tôi có cam kết thưởng bằng tiền hoặc hiện vật vào các dịp lễ lớn như 30-4, 1-5 và 2-9. Mấy năm trước công ty đều có thưởng 500.000 – 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, dịp 30-4 và 1-5 vừa rồi công ty không thưởng, với lý do tình hình kinh doanh khó khăn, mong người lao động chia sẻ và hứa thưởng bù Quốc khánh 2-9.

Đến ngày 29-8, tổ trưởng công đoàn thông báo không có thưởng 2-9. Chúng tôi rất buồn, xin hỏi công ty có vi phạm hợp đồng lao động không? Người lao động chúng tôi phải làm gì để đòi quyền lợi”.

Độc giả Hoàng Dũng thắc mắc trong hợp đồng lao động của anh, đơn vị không ghi rõ thưởng dịp nào, chỉ ghi thưởng theo kết quả kinh doanh và “hứa miệng” sẽ thưởng vào lễ Tết.

“Năm 2023, công ty thưởng 2-9 tới một nửa tháng lương nhưng năm nay không thưởng cũng không thông báo. Việc này có đúng quy định không, thưởng 2-9 hay Tết Nguyên đán có phải đơn vị thưởng thế nào cũng được?”, anh Dũng chia sẻ.

Công ty có bắt buộc phải thưởng vào nghỉ lễ Quốc khánh 2-9? - Ảnh 2.

Luật sư Lê Đức Thọ (Văn phòng luật sư Đức Thọ và cộng sự) – Ảnh: NVCC

Luật sư nói gì về thưởng Quốc khánh 2-9?

Luật sư Lê Đức Thọ (Văn phòng luật sư Đức Thọ và cộng sự) cho hay căn cứ điều 570 Bộ luật Dân sự 2015, người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.

Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

“Như vậy, hứa thưởng được xem là một giao dịch dân sự được thể hiện dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương của chủ sử dụng lao động”, luật sư Thọ cho hay.

Theo điều 104 Bộ luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (ví dụ công đoàn) đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

“Như vậy, hứa thưởng của chủ sử dụng lao động phải quy định rõ trong các văn bản như quy chế thưởng và thông qua ý kiến của tổ chức đại diện lao động tại cơ sở”, ông cho hay.

Chẳng hạn, công ty A thưởng Quốc khánh 2-9 hằng năm ở các mức 300.000 đồng, 500.000 đồng song năm 2024 công ty không có thưởng vì khó khăn thì nảy sinh các vấn đề.

1. Công ty A có ghi rõ mức thưởng, điều kiện thưởng lễ Tết như Quốc khánh 2-9 vào hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể hay không.

Nếu ghi rõ mức thưởng, điều kiện thưởng thì công ty A phải thực hiện. Nếu không thực hiện, người lao động có thể phản ánh đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương để được hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi.

Còn không ghi, công ty có thể thưởng khuyến khích, động viên.

2. Công ty không thưởng như thông lệ có thể ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của công ty vì người lao động đều mong thưởng dù ít dù nhiều.

Như vậy, pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải trả thưởng dịp Quốc khánh 2-9 cho người lao động.

Luật sư Lê Đức Thọ khuyến cáo người lao động cần đọc kỹ hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nhất là phần lương thưởng vì có “trao đổi miệng” về tiền thưởng nhưng không ghi vào hợp đồng thì không có căn cứ pháp lý để giải quyết.

Bài viết gốc: https://tuoitre.vn/cong-ty-co-bat-buoc-phai-thuong-cho-nhan-vien-dip-le-quoc-khanh-2-9-20240830073504464.htm