Cô Nguyễn Thị Hẹn, giáo viên về hưu tại Quảng Ninh, cho rằng con giáo viên có nhiều cơ hội học tập hơn con em các gia đình lao động khác, không nên là đối tượng được ưu tiên về học phí.
“Xem thu nhập giáo viên trước khi miễn học phí cho con giáo viên”
Đây là ý kiến của cô giáo Nguyễn Thị Hẹn. Cô Hẹn khẳng định thu nhập của giáo viên đang ở mức tốt so với xã hội.
“Lâu nay chúng ta thường nói lương giáo viên ba cọc ba đồng, nhưng sự thực có đúng vậy không? Tôi nghĩ nói như thế là không thẳng thắn.
Tôi về hưu từ năm 2014, lương hưu hiện tại gần 9 triệu đồng. Vì nhiều phụ huynh vẫn tin tưởng cho con đến học thêm, thu nhập ngoài lương của tôi vào khoảng 6 triệu đồng.
Một giáo viên về hưu 10 năm, ở tuổi 66 vẫn thu nhập 15 triệu đồng/tháng, cao hơn lương công nhân tăng ca.
Vậy một giáo viên đang đứng lớp sẽ thu nhập bao nhiêu? Thu nhập của giáo viên ở vùng đô thị, dạy học ở trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM là bao nhiêu? Thu nhập của giáo viên dạy các môn thi đại học, thi lớp 10, dạy ngoại ngữ là bao nhiêu?
Đó là điều cần có khảo sát đầy đủ, rõ ràng trước khi đặt ra vấn đề miễn học phí cho con giáo viên”, cô Hẹn nêu quan điểm.
Cũng theo cô Hẹn, rất nhiều ngành nghề trong xã hội có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với nghề giáo. Con em của các gia đình này có ít cơ hội học tập hơn so với con em giáo viên do thiếu thốn kinh tế và thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc, đầu từ về giáo dục.
Từ thực tế này, cô Hẹn cho rằng chính sách miễn học phí chỉ nên áp dụng với các đối tượng cụ thể thay vì áp dụng theo ngành nghề. Với nghề giáo, chính sách nên áp dụng với các giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt, giáo viên ở các vùng kinh tế xã hội khó khăn, giáo viên là mẹ đơn thân, bố đơn thân…
Một giáo viên dạy môn hóa học cấp THPT tiết lộ, lương và phụ cấp hàng tháng của giáo viên ở bậc học này dao động 7-17 triệu đồng/tháng. Thu nhập thực tế có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi con số trên khi giáo viên dạy thêm, dạy ôn thi.
“Đây là mức thu nhập ổn nếu so với mặt bằng chung của xã hội. Vì thế, miễn học phí cho con giáo viên là không cần thiết, trừ những trường hợp cụ thể”, nữ giáo viên nhận định.
Chính sách động viên tinh thần nhà giáo nhưng sẽ gây áp lực cho ngân sách nhà nước
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định, đề xuất miễn học phí cho con giáo viên là một chính sách thể hiện sự trân trọng với nhà giáo. Song bà Huyền cho rằng, chính sách mang tính động viên, chia sẻ về mặt tinh thần nhiều hơn.
“Học phí công lập bậc mầm non cho đến hết THPT hiện đang rất thấp, dao động trong khoảng hơn 100.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/tháng. Như vậy, tính trên mỗi giáo viên, số tiền được miễn giảm không đáng kể.
Gánh nặng nuôi con trẻ ăn học ở mỗi gia đình không nằm ở học phí mà đến từ nhiều chi phí khác trong nhà trường và ngoài nhà trường như quỹ phụ huynh, hoạt động ngoại khóa, học thêm…
Tuy nhiên, thách thức cần giải quyết với đề xuất này là nguồn ngân sách đáp ứng. Với con số dự kiến là 9.200 tỷ đồng/năm, liệu việc miễn học phí cho con giáo viên có ảnh hưởng tới ngân sách dành cho các ngành khác hay không. Điều này phải xem xét kỹ.”, TS Nguyễn Thị Thu Huyền phân tích.
Bà Huyền cũng nhấn mạnh, con em giáo viên không phải đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ không tiếp cận được các cơ hội giáo dục. Việc dành chính sách ưu tiên cho con giáo viên có thể sẽ làm giảm cơ hội học tập của các em trong nhóm nguy cơ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM – đánh giá đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ mầm non đến đại học là một chính sách hỗ trợ thêm cho nhà giáo để thầy cô bớt gánh lo tài chính, tập trung cho công việc giáo dục.
Tuy nhiên, ông cho rằng có một số nội dung cần cân nhắc khi thực hiện, tránh việc biến chính sách thành đặc quyền cho các nhà giáo.
Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cũng khuyến cáo việc cân đối nguồn lực tài chính khi thực hiện, không để tình trạng một chính sách được ban hành nhưng lại không có khả năng triển khai.
Mặt khác, ông cũng bày tỏ băn khoăn nội dung này sẽ áp dụng cho nhà giáo nói chung hay chỉ áp dụng với nhà giáo thuộc hệ thống công lập và đối với các trường học thuộc công lập.
Mới đây, vào ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 với dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự thảo đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí mà ngân sách phải chi trả hàng năm vào khoảng 9.200 tỷ đồng.
Dự thảo cũng đề xuất các chính sách ưu đãi khác như giáo viên xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, mức phụ cấp ưu đãi tăng thêm 10% với giáo viên mầm non và 5% với giáo viên tiểu học.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu thực hiện theo phương án này, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ vào khoảng 12.816 tỷ đồng/năm.
Hiện, cả nước có hơn 1 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ 1/7, giáo viên nhận lương cao nhất gần 16 triệu đồng/tháng, tùy cấp học và ngạch bậc.
Theo: Dân Trí