971 Views

Cho rằng Nghị định 168 chưa đủ sức răn đe, Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân đề xuất tăng mức phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy… từ 75 triệu lên đến 200 triệu đồng.

Chiều 16/5, Quốc hội nghe thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

“Nghị định 168 chưa đủ sức răn đe”

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Lắk) cho rằng qua 14 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn một số bất cập, trong đó có mức phạt tiền.

“Chúng ta thấy rằng, trong một số quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa theo luật hiện hành còn thấp, chỉ 75 triệu đồng”, bà Xuân nói.

Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân góp ý tại tổ của Quốc hội, chiều 16/5. Ảnh: Phạm Thắng

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân nêu thực tế, tình trạng “nhờn” luật hay cố tình vi phạm luật trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra ở một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Theo bà, mức phạt tiền của Luật hiện hành, kể cả Nghị định 168 của Chính phủ “chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe”.

Đặc biệt, đối với những trường hợp vi phạm với tính chất, mức độ nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm. Chẳng hạn, qua các phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều trường hợp lái xe cố tình đi ngược chiều trên đường cao tốc, nơi có số lượng phương tiện tham gia giao thông rất cao, cường độ lớn, tốc độ rất nhanh và mạnh. Nếu có một xe đi ngược chiều thì hậu quả khi va chạm sẽ rất nghiêm trọng.

Đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, nữ Thiếu tướng đề nghị tăng mức phạt từ 75 triệu đồng lên đến 200 triệu đồng. “Tôi cho rằng như vậy chúng ta mới giải quyết được bài toán tăng sức răn đe”, bà Xuân nhấn mạnh và cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) lại cho rằng, thời gian qua, khi nâng mức phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ý thức người dân đã dần nâng cao. Do đó, tại thời điểm hiện nay, mức phạt cao để tạo sự răn đe là hợp lý, tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện, khi ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người dân được nâng cao, cần điều chỉnh sao cho phù hợp với mức thu nhập, tài sản của người dân. “Trên thị trường hiện nay có chiếc ô tô chỉ hơn 200 triệu đồng mà mức phạt lên đến 150 triệu đồng thì quá cao, trong khi có trường hợp cố tình vi phạm nhưng cũng có trường hợp do vô ý mà vi phạm”, nữ đại biểu nêu quan điểm.

Cân nhắc quy định tăng phạt gấp 4 lần không bị lập biên bản

Đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân. Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) dẫn khoản 1 Điều 56 theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (tăng 4 lần, từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức).

“Việc lập biên bản có ý nghĩa quan trọng là căn cứ để xác nhận hành vi vi phạm của người vi phạm và ghi nhận các tình tiết của vụ việc vi phạm. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ nên áp dụng đối với những vi phạm giản đơn, lỗi vi phạm nhẹ”, đại biểu An Xuân nói.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cho rằng cần cân nhắc các vấn đề về điều kiện kinh tế- xã hội, bảo đảm yêu cầu ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính để đưa ra hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.

Vì vậy, bà đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng đối với quy định này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với lĩnh vực dữ liệu, hiện Quốc hội đang cho ý kiến về Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng. Về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng “mức thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng kha khá”, và đặc biệt là trước yêu cầu về quản lý nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với quy mô và tốc độ rất cao, dữ liệu đã được xác định trở thành một nguồn tài nguyên mới của đất nước và là tư liệu sản xuất rất quan trọng, là động lực phát triển mới của các quốc gia.

Do đó, việc kết nối, khai thác, chia sẻ và sử dụng dữ liệu trái quy định chắc chắn sẽ mang đến những ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và tác động đến quyền con người, quyền công dân.

“Nếu chúng ta chỉ quy định mức phạt tiền tối đa ở mức 200 triệu đồng, tôi cho rằng cũng chưa đủ mạnh. Vì vậy, tôi đề nghị tăng lên, có thể tăng mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực dữ liệu lên khoảng 500 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về dữ liệu”, bà Xuân nêu đề xuất.

Đối với lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân đề nghị phải nâng lên, có thể lên tới 2 tỷ đồng. Theo bà, như vậy mới tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực khai thác khoáng sản, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh. Ảnh: Media Quốc hội

Cùng góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc bổ sung, chỉnh lý Dự thảo Luật lần này cần chú trọng hơn đến yếu tố công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi người dân, và đặc biệt là khả năng thực thi của đội ngũ cán bộ trong điều kiện thực tế.

Bà Trinh cho biết, theo luật hiện hành, đối với các trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền và giảm, miễn tiền phạt được quy định tại trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn.

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp cần phải thực hiện việc xác minh để xem xét, quyết định nhưng công tác xác minh thường kéo dài nhất là đối với các khu vực miền núi giao thông, thời tiết không thuận lợi.

Vì vậy, để việc xem xét, quyết định việc hoãn, giảm, miễn tiền phạt được đảm bảo, đại biểu đề nghị ban soạn thảo sửa đổi thời hạn xem xét, quyết định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền, miễn, giảm tiền phạt từ 5 ngày làm việc thành 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn.