La liệt hàng hoá trôi nổi ở siêu thị Aloha Mall Đầm Hà Quảng Ninh

Mặc dù mới có mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thế nhưng siêu thị Aloha Mall Đầm Hà đã hút được đông đảo người tiêu dùng thị xã cũng như các vùng lân cận tới tham quan mua sắm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thương hiệu và Công luận thì tại đây đang tồn tại một số lượng hàng hóa lớn không tem nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ?

LTS: Aloha Mall được biết đến là hệ thống siêu thị lớn, chỉ sau Vinmart, Big C, GO!… Aloha Mall có 11 siêu thị trên địa bàn 03 tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên và Quảng Ninh thuộc Công ty TNHH Thái Hưng có địa chỉ số 2269 Đại lộ Hùng Vương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Slogan của Aloha Mall là “Triệu gia đình – Triệu niềm vui”, đồng thời siêu thị này cũng cam kết ở đâu bán rẻ, Aloha Mall bán rẻ hơn. Thế nhưng, chất lượng hàng hóa có đạt chuẩn hay không? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

Theo ghi nhận của PV Thương hiệu và Công luận, tại các gian hàng trong siêu thị Aloha Mall Đầm Hà đang bày bán nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hàng chỉ có tiếng nước ngoài, không có thông tin về chất liệu, nguồn gốc của sản phẩm; thậm chí hàng Việt Nam nhưng mác gắn là nước ngoài…

Tại gian hàng thời trang trong siêu thị, nhiều mặt hàng quần áo, túi xách… trên mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có thông tin về chất liệu, nguồn gốc của sản phẩm.

Tại gian hàng thời trang trong siêu thị, nhiều mặt hàng quần áo, túi xách… trên mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có thông tin về chất liệu, nguồn gốc của sản phẩm


Gian hàng đồ gia dụng là “ma trận” hàng không nguồn gốc, xuất xứ

Ngạc nhiên hơn cả tại gian hàng đồ gia dụng, PV phát hiện la liệt các sản phẩm, mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiều nhan nhản.

Hàng hóa cho trẻ em, có quy định riêng, nhưng vẫn “nổi trôi” như người lớn

Sản phẩm được giới thiệu là dầu tắm gội cho trẻ em cũng toàn tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ. Người tiêu dùng không biết được thành phần của sản phẩm, liệu có thành phần kích ứng cho bé hay không? Nếu kích ứng đơn vị nhập khẩu nào sẽ chịu trách nhiệm?

Bỉm cho trẻ sơ sinh cũng vậy, toàn tiếng nước ngoài. Trẻ dùng bị dị ứng, Aloha Mall chịu trách nhiệm hay nhà sản xuất? Khiếu nại đến đâu?

Rồi thì đồ ăn vặt… cũng toàn tiếng nước ngoài, liệu có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không? Dinh dưỡng không?


Vi phạm quy định của Chính phủ về nguồn gốc hàng hóa

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Mặt hàng đồ chơi cho bé không hề có nguồn gốc xuất xứ, thông tin vầ sản phẩm, 100% chỉ có chữ Trung Quốc
Mặt hàng đồ chơi cho bé không hề có nguồn gốc xuất xứ, thông tin vầ sản phẩm, 100% chỉ có chữ Trung Quốc.
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; Nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR), các sản phẩm phải được in hoặc dán tem CR lên bao bì.

Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh…

Tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.

Luật quy định là vậy, thế nhưng cơ quan thi hành pháp luật ở đâu khi để các sản phẩm hàng hoá “vi phạm luật” được bày bán một cách công khai trong siêu thị Aloha Mall Đầm Hà? Vậy trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh như thế nào? Đề nghị Cục Thuế Quảng Ninh, Công an tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan ban ngành liên quan khác xem xét việc hàng hoá vi phạm được bày bán ngang nhiên trong hệ thống siêu thị lớn.

Theo Thương hiệu và Công luận