Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến hết tháng 10/2023, có đến 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm. Tổng cộng, 631.329 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, 485 doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động, hoặc cho lao động luân phiên nghỉ việc do gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng.
Lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương và TP. HCM.
Công nhân làm việc trong ngành sản xuất, chế biến gỗ bị ảnh hưởng nhiều do giảm đơn hàng. Ảnh minh hoạ: vnexpress.net |
Trước thực trạng này, ông Phạm Ngọc Toàn – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội dự báo, việc cắt giảm việc làm của công nhân, lao động có thể kéo dài hết quý I năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng này thường xảy ra ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Còn những doanh nghiệp lớn, thường chọn giải pháp giữ chân người lao động để chờ thời điểm phục hồi đơn hàng.
Ngoài ra, những doanh nghiệp này tính toán, cân nhắc đến chi phí lao động. Nếu sa thải công nhân, sau này doanh nghiệp phục hồi sẽ mất nhiều chi phí tuyển dụng. Thay vào đó, những doanh nghiệp này sẽ duy trì hình thức làm việc như giai đoạn Covid-19 là luân phiên, giảm giờ làm hoặc trả 70% lương cho công nhân.
Bên cạnh đó, với tình trạng cắt giảm lao động ở rất nhiều doanh nghiệp hiện nay, ông Toàn cũng đánh giá sẽ dẫn đến tình trạng bị mất cân đối cục bộ về lao động ở một vài địa phương. Cụ thể, người lao động sau khi mất việc, có xu hướng về lại quê hương của mình, và ở lại quê nhà làm việc, hoặc tìm việc ở những vùng lân cận, chứ không mạo hiểm di cư đến các thành phố lớn tìm việc như trước kia.
Như vậy, theo ông Toàn, về lâu dài, phải hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh, thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn như hiện nay